Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/7
Nhu cầu thuê mặt bằng tại TP.HCM đang như thế nào?; Hà Nội lập chỉ giới đường đỏ bốn đoạn cho đường Vành đai 4; Đất ven đô Hà Nội trầm lắng sau 'sốt' nóng… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Nhu cầu thuê mặt bằng tại TP.HCM đang như thế nào?
Theo Cushman & Wakefield, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ quý II/ 2022 không suy giảm. Tại TP.HCM trong quý không có thêm nguồn cung bán lẻ mới, tổng nguồn cung vẫn ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu m2. Tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức 5,1%, giảm 0,4% so với quý trước, cho thấy thị trường mặt bằng bán lẻ đang dần khôi phục sau chuỗi ngày bị bỏ trống.
"Với những vị trí mặt bằng còn trống sẽ nhanh được lấp đầy bởi phần lớn các khách thuê trong ngành thời trang, vẫn cần mở cửa hàng trưng bày để thu hút khách đến trải nghiệm", đại diện Cushman & Wakefield cho hay.
Theo đơn vị này, những khách thuê có tình trạng tài chính tốt qua đợt dịch năm 2021 cũng luôn có nhu cầu tìm kiếm mặt bằng tốt để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này giúp các chủ nhà tự tin hơn và đang có kế hoạch giữ nguyên hoặc nâng cao gian thuê. Tính đến quý II/2022, giá chào thuê trung bình toàn thị trường đạt 49 USD/m2/tháng, tăng 4% so với năm 2021.
Theo báo cáo của Tổng Cục Du Lịch, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng mạnh, đạt khoảng 117 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Một tín hiệu đáng mừng cho ngành bán lẻ là lượng khách du lịch quốc tế quý này tăng gần gấp 7 lần so với năm ngoái, đạt 600,000 ngàn người. Đối với thị trường nội địa ghi nhận 60,8 triệu lượt khách, điều này thể hiện tiềm năng thị trường trong nước vẫn còn dư địa rất lớn, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, giúp đẩy mạnh nhu cầu du lịch và mua sắm trong người dân.
Trong quý II/2022, một loạt các "ông lớn" nước ngoài đã khai trương thêm cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch mở rộng quy mô. Cuối tháng 4 vừa qua, Uniqlo đã tổ chức sự kiện khai trương cửa hàng mới rộng đến 3,000 m2 tại Saigon Centre, thu hút đông đảo khách hàng đến tham dự và trải nghiệm. Một nhà bán lẻ ngoại được giới trẻ ưa thích khác là Muji, tiếp tục thừa thắng xông lên với cửa hàng thứ 4 tại Cresent Mall quận 7, bên cạnh cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM và 2 cửa hàng tại Hà Nội. AEON cũng đã có kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ, lên đến 100 cửa hàng MaxValu vào cuối năm 2025, và tăng từ 6 trung tâm thương mại hiện tại lên 16 trung tâm thương mại tương lai.
Hà Nội lập chỉ giới đường đỏ bốn đoạn cho đường Vành đai 4
UBND thành phố Hà Nội thống nhất triển khai tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố chia làm 4 đoạn. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt trước ngày 15/8/2022.
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét, chỉ đạo triển khai công tác lập chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, việc triển khai tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố chia làm 4 đoạn, thực hiện như sau:
Đoạn 1: Từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 (dài khoảng 11 km): UBND thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường, tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2504/QĐ-UBND ngày 18/7/2022.
Đoạn 2: Từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 (dài khoảng 9,6 km): UBND thành phố yêu cầu Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt trước ngày 30/7/2022.
Đoạn 3: Từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 (dài khoảng 17,77 km): Đã được UBND thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ từ năm 2012. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có tờ trình UBND thành phố phê duyệt bổ sung chỉ giới đường đỏ nút giao giữa tuyến đường Vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long. Để bảo đảm tính khả thi, thống nhất đồng bộ trên toàn tuyến, thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng tiếp tục rà soát, đánh giá hồ sơ chỉ giới đường đỏ đã được UBND thành phố phê duyệt nêu trên, đề xuất điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
Đoạn 4: Từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5 km, chia làm 2 phân đoạn. Phân đoạn 1 (dài khoảng 15 km) đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A: UBND thành phố đã có Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 12/7/2022 phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Phân đoạn 2 (dài khoảng 4,5 km) đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở:
Các sở, ngành, đơn vị liên quan đã thống nhất đề xuất lựa chọn phương án 3 (trong 3 phương án nghiên cứu hướng tuyến) phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch liên quan cũng như phù hợp với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 23/5/2022, đã được Quốc hội khóa XV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Đất ven đô Hà Nội trầm lắng sau 'sốt' nóng
Giá nhà đất nhiều khu vực vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất; Ba Vì... có dấu hiệu chững lại sau cơn "sốt" nóng thị trường nhiều khu vực rơi vào trầm lắng, những khu đất trước đó “cò đất” kéo về tạo sóng, đẩy giá giờ không một bóng người, để hoang hóa cho cỏ mọc. Trong khi hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bị “chôn vùi” trong đất.
Đầu năm 2021, giá nhà đất tại nhiều khu vực trên cả nước bỗng lên cơn "sốt", thị trường đất ven đô Hà Nội như: Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất; Sơn Tây, Hòa Lạc, Quốc Oai... cũng không ngoại lệ.
Còn nhớ, thời điểm đó giá đất nhiều khu vực ven đô, những nơi quy hoạch nâng cấp lên quận, những khu vực mà tuyến đường Vành đai 4 dự kiến đi qua đều bị đẩy lên tương đương 30-50tr/m2; bình quân tăng khoảng 20-30%. Thậm chí có nơi tăng 50%.
Thị trường bất động sản nhiều nơi ở ven đô Hà Nội rơi vào trầm lắng sau "sốt" nóng, những khu đất đấu giá để hoang hóa cho cỏ mọc. Trong khi hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bị “chôn vùi” trong đất.
Thế nhưng, theo ghi nhận của PV, tại những nơi bất động sản tăng giá nóng thời gian qua đang có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường nhiều khu vực rơi vào trầm lắng, những khu đất trước đó “cò đất” kéo về tạo sóng, đẩy giá như: Dự án 93 lô Cổ Đông (Sơn Tây), 108 lô Bãi Dài và 72 Lô Bãi Dài tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất)… giờ không một bóng người, để hoang hóa cho cỏ mọc. Trong khi hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bị “chôn vùi” trong đất.
Nhiều địa phương ở Hà Nội ồ ạt tổ chức đấu giá đất trở lại
Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt vừa thông báo tổ chức đấu giá 20 thửa đất trên địa bàn huyện Đông Anh vào ngày 30/7 tới, theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp.
Cụ thể, có 13 thửa đất tại khu đất X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ và 7 thửa tại khu đất X7 thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.
Các thửa đất này có diện tích từ 70 m2 đến 108 m2, giá khởi điểm từ 18 triệu đồng đến 55,1 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ 252 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/hồ sơ tham gia đấu giá.
Tại huyện Mê Linh, trong khoảng thời gian cuối tháng 7 và đầu tháng 8 tới, Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam và Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh sẽ tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng nhiều lô đất trên địa bàn huyện.
Trong đó, 33 thửa đất tại điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh. Các thửa đất có tổng diện tích 3.412,7 m2 (từ 67,4 m2 đến 193 m2). Giá khởi điểm là 32,1 triệu đồng đến 44,2 triệu đồng/m2, tổng giá khởi điểm hơn 129 tỷ đồng.
Tương tự là 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Hiện trạng, dự án đã được giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.
Bùi Hằng