Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/7
Biến động mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư tại Hà Nội và TP HCM; Kỳ vọng chính sách hợp lý cho tín dụng bất động sản trong nửa cuối năm… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Biến động mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư tại Hà Nội và TP.HCM.
Góp tiền cùng nhóm bạn đầu tư vào nhà xây sẵn, nhưng do thị trường trầm lắng, anh Nguyễn Văn Yên - một nhà đầu tư bất động sản không chuyên - đang đứng ngồi không yên. Theo anh Yên, khoảng cuối năm 2020, anh và nhóm bạn mua một mảnh đất rộng hơn 120 m2 để phân thành 3 lô, xây nhà để bán. Lúc đó, thị trường sôi động, giá đất mua vào cũng ở mức cao, cộng với chi phí vật liệu xây dựng cao, khiến tổng mức đầu tư vượt dự toán nhiều lần.
"Do không chuyên nghiệp trong xây dựng và cân đối được dòng tiền, số tiền vay mượn ngân hàng cũng lớn hơn 70% giá trị căn nhà hoàn công. Anh em cũng tích cực bán để thu vốn, nhưng không có người mua", anh Yên nói.
Cũng theo anh Yên, cộng tiền đất và chi phí xây dựng một căn nhà xây sẵn như hiện tại của anh đã tới 3 tỷ đồng. Nhưng, anh đang bán cắt lỗ tới lần thứ 3 trong 2 tháng qua với số tiền lên tới 300 triệu đồng vẫn không thể bán được.
"Thị trường biến động nhanh khiến nhà đầu tư không chuyên như chúng tôi rơi vào thế khó chỉ sau thời gian ngắn. Tôi đang rất kỳ vọng sẽ bán sớm được căn nhà này để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng sớm", anh Yên chia sẻ và khẳng định giá cắt lỗ đã "ăn" vào tiền vốn của mình.
Kỳ vọng chính sách hợp lý cho tín dụng bất động sản trong nửa cuối năm
Sau chỉ đạo "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý" của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra tuần trước, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), doanh nghiệp, khách mua nhà kỳ vọng những chính sách hợp lý về nới room tín dụng sẽ được ban hành trong 6 tháng cuối năm để gỡ khó cho thị trường.
Trao đổi với chúng tôi sau chỉ đạo về tín dụng của Thủ tướng, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết rất vui mừng với chủ trương của người đứng chính phủ. "Việc kiểm soát chặt chẽ room tín dụng đang gây khó khăn cho ngân hàng, doanh nghiệp lẫn người mua nhà. Nhiều người dân có nhu cầu trả góp mua nhà nhưng hiện nay ngân hàng hết room tín dụng dẫn đến việc vay vốn bị đình truệ. Ngân hàng muốn cho vay cũng không có cách nào khác phải chờ chính sách nới room từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều này ảnh hưởng mật thiết đến vấn đề an sinh xã hội".
Tuy nhiên, vị này cũng băn khoăn: "Để thông điệp về tín dụng của Thủ tướng đi vào thực tế cần có những chính sách gỡ khó trực tiếp từ NHNN, chỉ đạo sát sao từ các bộ ban ngành để khơi thông dòng vốn cho thị trường. Hiện nay, room tín dụng đến hết 30/6 các NHTM đã dùng hết và đang chờ room mới. Nhưng đã quá nửa tháng 7 các NHTM vẫn chưa có thông tin vì về việc nới room khiến cả Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà rơi vào tình trạng "ngóng" vốn".
Chờ sóng bất động sản lên để "thoát hàng"
Đó là tâm lý của không ít các nhà đầu tư đang kỳ vọng sẽ có cơn sóng bất động sản xuất hiện để họ có thể nhanh chóng "thoát hàng", thu hồi vốn. Bởi ở thời điểm hiện tại, thị trường trầm lắng, ngay cả việc cắt lỗ cũng khó thanh khoản sản phẩm.
Cuối năm 2021, anh Trần Nhuận (Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết định bỏ ra 2,3 tỷ đồng để mua lô đất sát trục đường chính ở Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh sau khoảng thời gian dài "sốt ruột" vì lo lạm phát gia tăng, tiền mất giá.
Lô đất này anh Nhuận được một người thân giới thiệu với mức giá rẻ hơn so với thị trường thời điểm đó. Và theo thông tin mà anh Nhuận tìm hiểu, sẽ có tuyến đường mở rộng đi qua lô đất mà anh đã mua. Dù chưa từng có kinh nghiệm mua bán đất nhưng anh Nhuận nghĩ, thứ nhất, mua được giá rẻ hơn so với thị trường thì chắc chắn, sau này chỉ cần bán bằng giá thị trường đã có lời. Thứ hai, nếu tuyến đường này xây dựng và triển khai, mức lợi nhuận mà anh thu được 20-30% là điều không khó xảy ra.
Bởi tính toán như vậy mà anh Nhuận đã dồn toàn bộ vốn vào mua lô đất, cộng thêm khoản tiền vay gia đình và ngân hàng. Anh dự tính khoảng 3-6 tháng sau sẽ thoát hàng.
Nhưng mọi kế hoạch của anh Nhuận đều bị "chệch" khi hơn gần 8 tháng trôi qua, lô đất mà anh mua vẫn nằm "án binh bất động". Điều đáng nói, dù tuyến đường đang rục rịch chuẩn bị triển khai nhưng lô đất mà anh xuống tiền không có nhiều người hỏi thăm, thậm chí môi giới còn đang đề nghị mức giá cắt lỗ so với giá đất mà anh mua.
Động thái “lạ” của giới đầu tư địa ốc nửa cuối năm
Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia Bất động sản cho rằng, thị trường BĐS hiện xuất hiện 2 trạng thái đối lập của nhà đầu tư địa ốc. Một là nhà đầu tư không chuyên, đi vay ngân hàng hoặc lướt sóng sẽ gặp khó khăn. Hai là nhà đầu tư chuyên nghiệp có sự chuẩn bị nhất định. Đó là những người vẫn còn nhu cầu mua bất động sản trong bối cảnh thị trường biến động. Thậm chí, đây là cơ hội để các nhà đầu tư có tài chính tốt tìm kiếm nguồn hàng đầu tư.
"Theo tôi, có khoảng 10-20% nhà đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn và muốn bán ra. Trong số những người đang gặp khó khăn có khoảng 5% nhà đầu tư sẵn sàng cắt lỗ trước áp lực trả lãi vay ngân hàng và các chi phí khác", ông Quang cho biết.
Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã có sự chuẩn bị để vượt qua rủi ro, nhưng tâm lý hiện nay là thận trọng với thị trường.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, thị trường hiện nay "trong nguy cơ cơ", nghĩa là dưới những tác động tiêu cực, thị trường vẫn có cơ hội. Vì thế, nhà đầu tư cẩn trọng, nhưng nếu cẩn trọng quá dễ làm mình mất đi cơ hội mua được những sản phẩm yêu thích với giá tốt.
Bùi Hằng