Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 15/7
Chuyên gia dự báo những khu vực đất nền sẽ giảm giá; Thị trường văn phòng cho thuê ở TP Hồ Chí Minh khởi sắc trở lại; Ngăn chặn tung tin đồn để đầu cơ thổi giá bất động sản… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Chuyên gia dự báo những khu vực đất nền sẽ giảm giá
Theo dự báo của giới chuyên gia, đất nền tại nhiều khu vực có khả năng giảm giá, đó là các khu vực từng "sốt đất", hay bất động sản chưa tạo ra giá trị khai thác…
Sau thời gian "sốt nóng" cục bộ ở nhiều địa phương, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại. Đơn cử, năm 2021, thị trường bất động sản Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên sôi động, có nơi "sốt nóng". Thế nhưng, hiện tại, giá đất tại khu vực trên bắt đầu đi ngang.
Đất nền tại khu đô thị Tân Việt Bắc (thị xã Đông Triều) hiện được chào bán và giao dịch ở mức 20-22 triệu đồng/m2, ngang bằng mức giá của năm 2021. Tương tự, đất tại Vĩnh Lâm (Mạo Khê) cũng được chào bán ở mức giá của năm ngoái là 18-20 triệu đồng/m2.
Hay đầu năm nay, đất nền Móng Cái ghi nhận mức tăng 10-20% so với cuối năm 2021 với mặt bằng giá mới được thiết lập trung bình là 23-28 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư trong dân ở vị trí tương đối đẹp dao động 20-35 triệu đồng/m2. Mặt bằng giá đất này vẫn đang giữ nguyên đến thời điểm hiện tại là tháng 7 này.
Theo báo cáo mới đây của một trang thông tin bất động sản lớn, những điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm đang rơi vào tình trạng khó thanh khoản do giá rao bán tăng nhưng mức độ quan tâm giảm. Dẫn chứng như đất nền ở huyện Quốc Oai giá tăng 20% nhưng mức độ quan tâm giảm 24%; đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%; giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.
Các thị trường giáp ranh Hà Nội cũng ghi nhận kịch bản tương tự. Cụ thể, đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.
Thị trường văn phòng cho thuê ở TP Hồ Chí Minh khởi sắc trở lại
Dù nửa đầu năm 2022 nguồn cung mới còn hạn chế so với năm 2021, thị trường văn phòng TP.HCM vẫn ghi nhận sự hồi phục với tổng diện tích hấp thụ thuần khoảng 21.000 m2, tương đương 38% năm trước đó.
Dù nửa đầu năm 2022 nguồn cung mới còn hạn chế so với năm 2021, thị trường văn phòng TP.HCM vẫn tiếp tục ghi nhận sự hồi phục với tổng diện tích hấp thụ thuần khoảng 21.000 m2, tương đương 38% năm 2021.
Theo báo cáo tiêu điểm về thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh quý 2/2022 của Công ty CBRE Việt Nam, tỷ lệ trống trung bình của hạng A giảm 1,6 điểm phần trăm theo quý và 2,1 điểm phần trăm theo năm xuống còn 10,1%, chủ yếu nhờ vào khả năng hấp thụ mạnh mẽ của khu vực văn phòng quận 7.
Trong khi đó, tỷ lệ trống trung bình của hạng B giữ nguyên ở mức 9,7%, gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất 1 tòa nhà hạng B mới hoàn thành là tòa CMC Creative Space tại quận 7. Qua đó, nâng tổng diện tích văn phòng cho thuê tại TP.HCM ở mức 1,5 triệu m2.
Ghi nhận của CBRE Việt Nam, ngành công nghệ thông tin và ngành sản xuất chiếm gần 50% tổng diện tích giao dịch; trong đó, ngành công nghệ thông tin với tốc độ phát triển nhanh và nguồn vốn đầu tư dồi dào tiếp tục mở rộng mặt bằng thuê với thời gian quyết định chỉ từ 3-6 tháng.
Ngăn chặn tung tin đồn để đầu cơ thổi giá bất động sản
Bên cạnh những thông tin về dư nợ tín dụng cho vay bất động và chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng còn cho rằng, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp như tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản theo hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả.
Đồng thời rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá.
Công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ.
Rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, vốn FDI... phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, trong đó có tín đối với lĩnh vực bất động sản, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Đồng thời, thực hiện các giải pháp kiểm soát rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, trong đó có kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả của người dân.
Lộ kẽ hở dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan gây sốt ảo
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững ngày 14/7, một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kiên quyết.
Bộ Xây dựng cho biết, việc chia, tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 (Điều 143, Điều 144) chỉ cho phép "UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị" và đã không cho phép tách thửa đối với "từng loại đất" hoặc các loại "đất nông nghiệp hoặc đất khác không phải là đất ở".
Cụ thể, tại Điều 143 của Luật Đất đai đã quy định chặt chẽ các căn cứ để tách thửa đất ở tại nông thôn như: Căn cứ vào quỹ đất của địa phương; căn cứ vào quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.
Điều 144 của Luật Đất đai cũng quy định chặt chẽ các căn cứ để tách thửa đất ở tại đô thị như: Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất; căn cứ quy hoạch xây dựng đô thị; căn cứ quỹ đất của địa phương; hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.
Bùi Hằng