Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/7
Nhà đất 'ăn theo' quy hoạch đường Vành đai 4 'nhảy múa' dù vắng bóng nhà đầu tư; Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh; Qua đỉnh sốt đất, nhà đầu tư ồ ạt xả hàng… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Nhà đất 'ăn theo' quy hoạch đường Vành đai 4 'nhảy múa' dù vắng bóng nhà đầu tư
Giá đất ở những khu vực mà đường Vành đai 4 đi qua tăng mặc dù độ quan tâm giảm. Chuyên gia khuyến cáo, khi không nắm được thông tin về quy hoạch, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo "cơn sốt" hạ tầng mà đổ xô đi trữ đất vì dễ chịu rủi ro lớn.
Khảo sát thực tế và các website rao bán nhà đất, có thể thấy từ cuối năm 2021 đến nay, giá đất ở những khu vực mà đường Vành đai 4 đi qua như Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng Sóc Sơn, Văn Giang (Hưng Yên),... đã tăng từ 20-50%.
Anh T (La Phù, Hoài Đức) cho biết, từ cuối năm 2021, khi rục rịch thông tin duyệt dự án đường Vành đai 4, nhiều nhà đầu tư ở các quận nội thành đã đổ xô kéo về khu vực giữa chùa Diên Phúc và đền Giẻ Sen của huyện Hoài Đức để khảo sát, khiến giá đất tăng cao.
“Cuối năm 2021, khi gia đình tôi rao bán miếng đất thổ cư 90 m2 giáp mặt đường Vành đai 4, gần ngã ba chợ ở Hoài Đức với giá 4,5 tỷ đồng (50 triệu đồng/m2), có rất nhiều nhà đầu tư liên tục hỏi thăm và đàm phán việc mua bán. Tuy nhiên, lúc đó đang thời kì “sốt đất” nên tôi tiếc và cố giữ lại để chờ xem giá còn lên cao hơn không, dù giá này đã tăng đến 35% so với vài năm trước.
Đến độ tháng 3 năm nay, Hà Nội ra lệnh dừng phân lô, tách thửa, nhà đầu tư hỏi mua đất vắng dần, nhưng tôi và nhiều người có đất giáp trục Vành đai 4 bàn nhau không được hạ giá bán. Thậm chí, vừa qua, khi dự án đường Vành đai 4 chính thức được duyệt, hàng xóm có đất gần nhà tôi còn nâng giá lên mức 55-60 triệu đồng/m2 và bảo rằng kiểu gì đất cũng lên hơn nữa”.
Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh
Giá bán dự án nhà phố, biệt thự quý II thiết lập mặt bằng mới, tăng 10-25% so với đầu năm.
Báo cáo thị trường bất động sản liền thổ của Cushman & Wakefield cho hay, bình quân giá bán sơ cấp (nhà đầu tư chào bán lần đầu) của phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP.HCM trong quý II lần lượt ghi nhận hơn 9.300 USD một m2 và 11.300 USD một m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Chỉ tính riêng phân khúc biệt thự, bình quân giá chào bán tài sản trong quý vừa qua đã tăng hơn 2.400 USD một m2 so với đầu năm nay.
Theo Cushman & Wakefield, bình quân giá chào bán các loại nhà gắn liền với đất tại TP.HCM quý II tăng 25% so với quý đầu năm. Đây là mức tăng giá khá mạnh, đẩy các tài sản liền thổ lập mặt bằng giá mới kể từ đợt đấu giá đất Thủ Thiêm cuối năm ngoái đến nay.
Trong khi đó, báo cáo của DKRA Việt Nam cũng cho biết, thị trường nhà phố, biệt thự tại các dự án mới mở bán trong quý II trên địa bàn TP.HCM ghi nhận mặt bằng giá mới với mức 700 tỷ đồng một căn. Giá bán sơ cấp nhà phố, biệt thự tại TP.HCM tăng trên dưới 10% so với cùng kỳ.
Các biến động giá được cho là đã bao gồm các chính sách bán hàng kèm theo nhiều ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất... được chủ đầu tư tính vào giá thành. Quý vừa qua, thành phố đón 921 căn nhà phố, biệt thự mới và bán được 572 căn. Lượng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm phần lớn thuộc các dự án quy mô lớn.
“Buôn tài không bằng dài vốn” là cách nhiều nhà đầu tư bất động sản lãi vài chục lần sau nhiều năm giữ đất
Khác với phong cách đầu tư lướt sóng bất động sản của đại đa số người bây giờ, bằng tư duy đầu tư dài hạn, không ít người đã hái được quả ngọt sau nhiều năm với tiền lãi đến vài chục lần.
Xưa tới nay, bất động sản là kênh đầu tư tương đối an toàn và đổi đời nhờ bất động sản dường như đã trở thành chân lý không chỉ của các nhà đầu tư, mà ngay cả với người dân bình thường. Tuy nhiên, không lựa chọn lướt sóng nhặt tiền lẻ như đại đa số người hiện nay. Một số người chọn cách đầu tư dài hạn, để nhiều năm sau đó hái quả ngọt, thậm chí lãi lên đến vài chục lần so với số tiền đã bỏ ra.
Năm 2010, ông Nguyễn Quý ( Ý Yên, Nam Định, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) đã bỏ ra 100 triệu đồng để mua một mảnh đất diện tích 160 m2, sát mặt đường tỉnh lộ 64 (hiện nay là Quốc lộ 37B).
Nhớ lại ngày ấy, ông kể: “Cả gia đình tiết kiệm được một chút, tôi mạnh dạn về quê tìm đất. Khi đó, bạn bè và nhiều người bảo tôi sao không mua đất ở Hà Nội, mua đất ở quê biết bán được cho ai, thà gửi tiết kiệm ngân hàng còn hơn. Nhưng thời gian đó đất ở Hà Nội ít nhất cũng tiền tỷ còn đất quê có vài trăm triệu đồng/lô. Tôi thích mua đất quê vì số tiền này tôi cũng động đến nên mua cứ bỏ đấy, lúc đấy không có giá trị gì nhiều nhưng sau này có khi lại thành của hiếm”.
Rồi cứ thế, làm được bao nhiêu, ông Quý gom được một món là lại về quê tìm mua đất. Đến năm 2015, trong tay ông đã có tới 4 mảnh đất, đều nằm sát đường lớn.
Năm 2018, với việc nâng cấp hạ tầng tại khu vực Quốc lộ 37B cũng như việc kiến thiết hệ thống trường học xung quanh, mảnh đất 160 m2 của ông Quý được trả giá lên tới 800 triệu đồng. Thời điểm đó, ông vẫn không bán và quyết định đợi tăng giá thêm khi khu vực xung quanh hoàn thiện hạ tầng.
Qua đỉnh sốt đất, nhà đầu tư ồ ạt xả hàng
Gần đây, nhiều “điểm nóng” giao dịch ở mức thấp, xuất hiện tình trạng bỏ cọc, cắt lỗ, nhà đầu tư tháo chạy vì không còn tiền để trả ngân hàng trong khi giá bất động sản chững lại.
Thị trường bất động sản từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều biến động. Tại nhiều địa phương, giá đất liên tục nhảy múa, nhiều nơi tăng giá mạnh, thậm chí xảy ra tình trạng sốt đất ảo, tăng gấp 2, gấp 3 chỉ trong thời gian ngắn.
Nhiều nhà đầu cơ, lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỷ nếu đầu cơ đúng chỗ và biết thời điểm mua bán nhưng cũng có không ít người tìm hiểu không kỹ, chạy theo cơn sốt ảo và đầu tư vào khu vực nóng sốt đến lúc thoái hàng, rút vốn không kịp khi thị trường "trở mặt" giảm nhiệt mạnh mẽ.
Chị Nguyễn Thùy Dương - một nhà đầu tư bất động sản cho hay, mình rao bán lô đất rộng gần 900 m2 tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) với giá 4, 6 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 5 triệu đồng/m2.
"Giá lô đất này tôi mua cuối năm 2021 gần 5 tỷ đồng. Nhưng, hiện tại do đang cần tiền trả ngân hàng, tôi buộc phải rao bán cắt lỗ, giảm 400 triệu đồng so với giá lúc mua vào", chị Dương cho hay.
Không chỉ có chị Dương mà anh Nguyễn Tuấn Minh trú tại Quốc Oai, Hà Nội cũng đang phải bán cắt lỗ ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) để thu hồi vốn để trả nợ cho ngân hàng.
Theo anh Minh, lô đất diện tích hơn 80 m2 tại xã Đồng Quang với giá 1,6 tỷ đồng vào tháng 2/2022 khoảng 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do không còn tiền để trả nợ ngân hàng anh buộc phải rao bán cát lỗ thấp hơn giá mua gần 300 triệu đồng.
"Hầu hết số tiền mua đất đều là tiền vay ngân hàng để kiếm lời. Song, đến nay giá đất chững lại, ngân hàng rục rịch tăng lãi suất khiến tôi lo lắng và rao bán cắt lỗ" - Anh Minh nói.
Nhiều môi giới bất động sản thừa nhận, tình trạng khách hàng có nhu cầu bán cắt lỗ đất nền tăng nhanh thời gian gần đây. Những trường hợp bán cắt lỗ rơi vào những nhà đầu tư không chuyên, sử dụng đòn bẩy tài chính.
Bùi Hằng