Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 11/7
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát công tác quy hoạch; Chuyển đổi hơn 1.000 héc-ta đất rừng làm cao tốc Bắc – Nam; Chia thừa kế nhà đất theo pháp luật … là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát công tác quy hoạch
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Theo UBND thành phố Hà Nội, triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, quản lý nghiên cứu lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị...; các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; các chương trình, kế hoạch, giải pháp quản lý phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch được duyệt...
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy; giám sát của HĐND thành phố, sự quản lý, điều hành quyết liệt của chính quyền UBND các cấp, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc đã đạt được những kết quả cơ bản nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại…
Theo đó, UBND TP.Hà Nội nhìn nhận bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố còn một số tồn tại, bất cập cần phải khắc phục như: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch. Việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.
UBND Thành phố Hà Nội cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao.
Chuyển đổi hơn 1.000 héc-ta đất rừng làm cao tốc Bắc - Nam
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau và Cần Thơ.
Thưc hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022, trong đó giao UBND các tỉnh có dự án tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc địa phận quản lý của địa phương và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất trồng lúa nước còn lại.
Nhà đầu tư bất động sản “nín thở” chờ thị trường
Tính ra hàng vào đầu tháng 6 nhưng anh T vẫn chưa bán được như dự định. Hiện tại, 3 lô đất (bao gồm cả đất thổ cư và nông nghiệp) của anh vẫn đang chờ tín hiệu tốt lên của thị trường bất động sản.
Khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, thị trường BĐS có dấu hiệu giảm tốc, thanh khoản chậm. Nhiều nhà đầu tư có đất gần như khó ra hàng khi cả thị trường im ắng ở giai đoạn này. Anh T (ngụ Tp.Thủ Đức), hiện có 3 lô đất nằm rải rác ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai nhưng vẫn chưa bán được như dự định trước đó. Trong đó, có 2 lô đất anh T dùng đòn bẩy vay ngân hàng, nên cũng muốn có thị trường để ra hàng sớm. Theo anh T, trước tháng 4/2022, anh vẫn "lướt sóng" được 1-2 lô đất, nhưng từ thời điểm tháng cuối tháng 5/2022 đến nay, thị trường đứng, việc ra hàng gặp mua – bán khó khăn.
"Hiện tại, tôi chỉ biết chờ thêm thị trường, đợi đến cuối năm nếu có đợt sóng mới sẽ đẩy hàng", anh T cho hay.
Có thể thấy, trước động thái siết chặt thị trường của cơ quan quản lý nhà nước, thanh khoản trên thị trường thời gian gần đây chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư thời điểm sốt đất cùng một số người bạn hùn vốn để "ôm" đất thì hiện tại cũng phải chờ thêm tín hiệu của thị trường, khó ra hàng như dự kiến.
Trong đó, không ít nhà đầu tư phải chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn vì sử dụng đòn bẩy ngân hàng "quá sức". Thế nhưng, để bán được hàng ở thời điểm này cũng không phải câu chuyện dễ dàng bởi thị trường đang trong trạng thái im ắng. Với những nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, họ đang có động thái nghe ngóng thêm, chờ thị trường BĐS bước qua chu kỳ mới và khởi sắc trở lại.
Chia thừa kế nhà đất theo pháp luật
Nhà đất là tài sản lớn của đời người, thường được sử dụng và chia cho con cái dưới hình thức thừa kế. Căn cứ Điều 649 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế. Dưới đây là cụ thể cách chia thừa kế nhà đất.
Căn cứ Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, nhà đất được chia thừa kế theo pháp luật trong những trường hợp sau: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp;
Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản là nhà đất sau: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Bùi Hằng