Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 18/10
Môi giới bất động sản “mất ăn mất ngủ” vì chung cư tăng giá; Những dự án căn hộ nào tại TP.HCM sẽ bung hàng vào dịp cuối năm?; Giao dịch chung cư TP.HCM thấp nhất trong 3 năm qua... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Những dự án căn hộ nào tại TP.HCM sẽ bung hàng vào dịp cuối năm?
Người mua nhà đang khá “trông ngóng” các dự án BĐS tại TP.HCM chào sân dịp cuối năm nay. Tuy nhiên, con số về nguồn cung dự báo cũng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”, khi mà khá nhiều nhà đầu tư thay đổi kế hoạch ra hàng, chờ thêm tín hiệu tốt hơn của thị trường.
Ghi nhận 4 khu vực của TP.HCM hiện chỉ khoảng 4-5 dự án có sản phẩm "manh nha" ra thị trường thời điểm cuối năm. Phần lớn nguồn cung nằm ở phân khúc căn hộ.
Chia sẻ tại sự kiện mới đây, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, cuối năm nay, nguồn cung nhà ở bung thị trường TP.HCM vẫn khá khiêm tốn, đa số nằm ở phân khúc cao cấp và hạng sang, trong khi BĐS tầm trung rất ít sản phẩm chào bán ra thị trường. Dòng sản phẩm căn hộ có mức giá từ 45 đến trên dưới 50 triệu đồng/m2 dần vắng bóng trên thị trường BĐS TP.HCM.
Cùng với đó, việc phân bổ nguồn cung BĐS cũng không đồng đều giữa các khu vực. Hiện mỗi khu vực tại TP.HCM chỉ xuất hiện một vài dự án.
Tại khu Tây TP.HCM, hiện nguồn cung "mới tinh" gần như không có. Có chăng, chỉ một số dự án KĐT chào bán giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, khu vực Q.Bình Tân, trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, có dự án Akari City của Nam Long Group đang chào bán giai đoạn tiếp theo dòng sản phẩm căn hộ với mức giá từ 45 triệu đồng/m2. Được biết, dự án KĐT này có quy mô 8,5 ha, hiện đã có cư dân vào sinh sống đông đúc trước đó.
Theo các chuyên gia trong ngành, năm 2022 rõ ràng không phải là năm thuận lợi cho thị trường BĐS vì hệ lụy của sốt đất kéo dài, siết tín dụng BĐS, thuế chuyển nhượng bị siết chặt, giá thành bị đẩy lên cao, thanh khoản đi xuống... Đây là giai đoạn khó khăn đối với các nhà đầu tư BĐS. Hiện tại, thị trường chỉ còn là "sân chơi" của các nhà đầu tư dài hạn, mức kỳ vọng thấp và có dòng tiền ổn định trong 3 năm trở lên.
Giao dịch chung cư TP.HCM thấp nhất trong 3 năm qua, chủ đầu tư 'mạnh tay' tung loạt chính sách
Lượng giao dịch căn hộ trong quý III giảm 89% so với cùng kỳ, việc này khiến các chủ đầu tư đưa ra các chính sách ưu đãi để thúc đẩy nguồn cầu, bao gồm chính sách cho thuê lại, tặng kèm gói nội thất, voucher du lịch và chiết khấu cho khách hàng thân thiết.
Lượng giao dịch căn hộ trong quý 3 giảm 89% so với cùng kỳ, việc này khiến các chủ đầu tư đưa ra các chính sách ưu đãi để thúc đẩy nguồn cầu, bao gồm chính sách cho thuê lại, tặng kèm gói nội thất, voucher du lịch và chiết khấu cho khách hàng thân thiết.
Theo báo cáo thị trường bất động sản tại TP.HCM của Savills, trong 9 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản TP.HCM đã cho thấy những tín hiệu phát triển tích cực, bất chấp những rủi ro từ lạm phát và chi phí gia tăng. Tuy nhiên, hạn chế tín dụng gây không ít khó khăn cho người mua nhà, dẫn đến khả năng chi trả bị ảnh hưởng đáng kể.
Đối với thị trường căn hộ, nguồn cung sơ cấp giảm còn 6.600 căn, giảm 51% so với quý 2/2022 nhưng tăng 120% so với cùng kỳ. Trong đó, TP.Thủ Đức và quận 1 lần lượt là những khu vực có nguồn cung lớn nhất. Hàng tồn kho chiếm khoảng 66% nguồn cung sơ cấp với 4.400 căn, lớn nhất kể từ 2019. Trong quý IV/2022, dự kiến nguồn cung gia tăng là 4.220 căn, số lượng căn hộ trên đến từ 18 dự án hiện hữu và 4 dự án mới.
Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường, Savills TP.HCM cho biết: "Thanh khoản thị trường giảm, giá sơ cấp tăng đã làm giảm lượng giao dịch. Khả năng chi trả đang là vấn đề".
Chuyên gia: Không nên để công an tỉnh vào hội đồng thẩm định giá đất
Liên quan đến Hội đồng thẩm định giá đất, chuyên gia cho rằng, không nên để Công an tỉnh vào Hội đồng thẩm định giá đất, mà để cơ quan này là một bộ phận độc lập nhằm đảm bảo yếu tố khách quan.
Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất" do Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng nay (18/10), các chuyên gia tham gia đều đánh giá, đây là một Luật có nhiều vấn đề vướng, liên quan đến 112 đạo luật khác nhau.
Bên cạnh hàng loạt các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính về đất đai được đưa ra thảo luận, tại Hội thảo này, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh tới những vấn đang được đặc biệt quan tâm như khung giá đất, thu hồi đất và thẩm định giá đất.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật Hà Nội đánh giá, pháp luật hiện hành về thẩm quyền định giá đất đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không phản ánh tính khách quan của hoạt động này mà thể hiện sự can thiệp và chi phối sâu của chủ thể quản lý. Theo đó, tính định hướng thị trường trong định giá đất bị hạn chế rất nhiều.
Đơn cử, theo Nga, Luật Đất đai hiện hành cho phép cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, có địa phương cho rằng, đó là quyền nên họ được lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ tư vấn giá.
Môi giới bất động sản “mất ăn mất ngủ” vì chung cư tăng giá
Thị trường bất động sản đang trầm lắng, giá bán các phân khúc đều ở mức cao, trong khi thanh khoản lại “tụt dốc”,… Điều này gây ra nỗi lo cho môi giới bất động sản, nhiều người đã phải làm thêm nghề khác, thậm chí có người phải bỏ nghề.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng trầm lắng, nhà đầu tư có xu hướng gửi tiết kiệm ngân hàng chờ khi nào thị trường "ấm" trở lại thì sẽ có động thái mới. Trong số các phân khúc bất động sản chỉ còn một số phân khúc còn giữ được giao dịch, trong đó phải kể đến phân khúc chung cư. Nhiều môi giới bất động sản cũng trông mong vào những phân khúc này để có giao dịch.
Tuy nhiên, phân khúc chung cư thời gian vừa qua liên tục tăng giá, điều này tưởng chừng đem lại tín hiệu tốt, nhưng "lợi bất cập hại" khi giá quá cao nhiều người mua nhà lại e ngại vì vượt quá mức tài chính. Trong khi, chủ bán nhà lại tiếp tục "hét giá" lên tiếp cũng khiến các giao dịch đi vào bế tắc.
Theo anh Quốc Nam, một giới bất động sản thì thời gian này đang rất khó khăn cho những người làm môi giới bất động sản. Anh Nam cho biết may mắn lắm thì mỗi tháng anh chỉ có 1 giao dịch nhỏ, trừ các chi phí khác thì chỉ lãi được khoảng 3-5 triệu đồng. Trong khi, thời điểm thị trường sôi động, có lúc anh kiếm được khoảng 60-90 triệu đồng/tháng.
Anh Quốc Nam cho rằng thời gian gần đây giá chung cư liên tục tăng mạnh, điều này khiến nhiều chủ nhà đổi ý, vì họ cho rằng có thể bán lời thêm vài trăm triệu đồng.
"Hai tháng trước, tôi có rao bán một căn chung cư rộng 68 m2, với giá 2,2 tỷ đồng tại quận Gia Lâm (Hà Nội). Thời điểm đó, người mua xuống tiền đặt cọc và hẹn 20 ngày sau sẽ giao dịch và sang tên. Tuy nhiên, gần đến ngày hẹn chủ nhà thông báo lại muốn bán căn chung cư với giá 2,5 tỷ đồng, chênh cao hơn 300 triệu đồng so với trước đó. Chủ nhà chấp nhận đền cọc 80 triệu đồng và sau đó họ bán được nhà với giá gần 2,5 tỷ đồng như mong muốn", anh Nam chia sẻ.
Huyền Diệu