Thứ năm, 25/04/2024 06:06 (GMT+7)
Thứ tư, 12/10/2022 17:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/10

Theo dõi KTMT trên

Bất động sản bắt đầu cắt lỗ, nhà đầu tư tiềm lực e sợ không dám vào tiền; Giá bán chung cư Hà Nội đã tăng cả tỷ đồng một căn hộ; Điểm danh những lô đất của HUD bị Hà Nội "đòi" để xây trường học... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Bất động sản bắt đầu cắt lỗ, nhà đầu tư tiềm lực e sợ không dám vào tiền

Khi thị trường bất động sản sôi động, một số nhà đầu tư tiềm lực từng tuyên bố, họ chờ đợi giá lao dốc để “bắt đáy”. Nhưng thực tế, khi giá bất động sản đang dần hạ nhiệt, nhà đầu tư vẫn trong tâm lý lo sợ, không dám xuống tiền.

Diễn biến trái chiều trong tâm lý của các nhà đầu tư đã xuất hiện khi thị trường nhiễu động. Ở thời điểm giá bất động sản tăng chóng mặt, sau đó dần đi ngang, đã không ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt từng tuyên bố rằng, họ chờ đợi giá lao dốc để “bắt đáy”. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư tay ngang cũng đợi giai đoạn thị trường xuống dốc mạnh để “săn” tìm lô đất rẻ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/10 - Ảnh 1
Nhà đầu tư vẫn e ngại trước lô đất rẻ, do tâm lý sợ thị trường biến động.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, dù một số khu vực ghi nhận làn sóng người bán bắt đầu hạ giá nhưng người mua vẫn “vắng bóng”.

Bà Hồ Thị Thu Mai, một nhà đầu tư lâu năm và lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho biết, bà vẫn tìm kiếm bất động sản tốt để chờ cơ hội mới. Khi nhắc đến lãi suất đang tăng, bà khẳng định, lãi suất tăng trên 20% như năm 2011 thì thực sự khó khăn thật.

Nhưng hiện lãi suất cũng chưa có gì đột biến. Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng, nhưng hiện vẫn đang ở mức chấp nhận được. Thế nên bà Mai khuyến nghị, nếu bất động sản tốt và hiếm thì vẫn là của tốt.

Nhiều chuyên gia vẫn e ngại khó khăn của thị trường địa ốc nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã tăng lãi suất, trong đó có Việt Nam, động thái này kéo theo lãi suất vay sẽ tăng trong thời gian tới.

Tác động của lãi suất tăng kèm giá bất động sản tăng, cùng khả năng mua nhà không có sự hỗ trợ tài chính là điểm nghẽn khiến thị trường mắc kẹt trong việc khơi thông thanh khoản.

Hàng loạt dự án trên đất vàng bị "treo", Hà Nội đang vướng mắc gì?

Nhằm xử lý thực trạng nhiều dự án rầm rộ khởi công, xong lại quây tôn kín mít, “treo” từ năm này sang năm khác, UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo các ban, ngành liên quan vào cuộc rà soát, thu hồi.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xử lý các dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một trong những Dự án “tai tiếng”, “treo” dài trên địa bàn Hà Nội là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Năm 2004, UBND TP.Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35 ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt, nhưng đến nay cũng chỉ Khu đô thị trên giấy, hoang hóa, rác rưởi và không ít diện tích sử dụng sai mục đích... Kỳ vọng về một khu đô thị mới, hiện đại treo dài theo dự án.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/10 - Ảnh 2
Khu đô thị mới Thịnh Liệt đến nay cũng chỉ trên giấy. (Ảnh: KT)

Ông Hồ Văn Hoàng, người dân phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai bức xúc: “Dự án chậm xây dựng đã để lại rất nhiều vấn đề về môi trường, cuộc sống người dân ở đây, quây tôn rồi cứ để đó lãng phí đất đai”.

Thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai tại khắp các quận, huyện. Trong đó có không ít các dự án “treo” từ thập niên này sang thập niên khác ngay tại các địa bàn, trục đường trung tâm được xem là “đất vàng”. Có thể kể đến Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc (diện tích 13.000 m2) tại phường Yên Phụ do Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng IDC (khởi công năm 1999);

Dự án Trấn Sông Hồng-Song Hong City (60.000 m2- địa bàn hai phường Phúc Xá - quận Ba Đình và Yên Phụ - quận Tây Hồ) do Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội liên doanh với nước ngoài để xây dựng và kinh doanh nhà ở, Văn phòng thương mại, khách sạn (khởi công năm 1995); Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở tại quận Hoàng Mai.

Giá bán chung cư Hà Nội đã tăng cả tỷ đồng một căn hộ

Sau 15 quý liên tục tăng, giá bán sơ cấp căn hộ chung cư tại Hà Nội hiện nay đã cao hơn 53% so với quý I/2019.

Trong bối cảnh thị trường khan hiếm nguồn cung, giá nhà chung cư tại Hà Nội tăng liên tục bất chấp thanh khoản kém. Đáng chú ý, giá căn hộ chung cư thứ cấp và sơ cấp liên tục tăng nóng, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn đã tăng lên nửa tỷ đồng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/10 - Ảnh 3
Nguồn cung khan hiếm khiến giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao (Ảnh: Hà Phong).

Báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá bán chung cư tăng ở tất cả các phân khúc từ bình dân đến cao cấp, trong đó, chung cư trung cấp có biến động giá tăng mạnh nhất.

Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán phân khúc bình dân tăng 7%, ở phân khúc trung cấp tăng 18%, chung cư cao cấp tăng 10% trong 3 tháng vừa qua. Tại TP.HCM có mức tăng thấp hơn, chung cư bình dân giảm 1%, trung cấp tăng 4%, còn phân khúc cao cấp tăng 5%.

Tương tự, theo báo cáo thị trường quý 3 vừa công bố của Savills, phân khúc căn hộ bán ở Hà Nội có giá bán sơ cấp trung bình đạt 47 triệu đồng/m2, tăng 5% theo quý và 11% theo năm. Sau 15 quý liên tục tăng giá, giá bán sơ cấp căn hộ chung cư hiện nay đã cao hơn 53% so với quý I/2019.

Giá căn hộ 2-4 tỷ đồng chiếm 85% nguồn cung, tăng mạnh từ mức 15% trong năm 2018. Căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng chiếm 12%, còn lại là các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng. Với giá thuê theo tháng trung bình là 15 triệu đồng/căn và giá bán trung bình là 3 tỷ đồng/căn, tỷ suất lợi nhuận cho thuê đạt 6%.

Điểm danh những lô đất của HUD bị Hà Nội "đòi" để xây trường học

Những ô đất được quy hoạch để xây trường học nhưng hàng chục năm trôi qua vẫn chỉ là bãi đất trống được quây tôn kín mít, cỏ mọc hoang dại hoặc làm bãi trông giữ xe.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/10 - Ảnh 4
Những lô đất của HUD bị Hà Nội "đòi" để xây trường học. (Ảnh: danviet)

2 ô đất F5/TH3, F5/NT5 có diện tích 0,49 ha được quy hoạch để xây dựng trường mầm non và trường trung học cơ sở nằm cạnh Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai, gần với hồ Linh Đàm và nằm cạnh, bên dưới chung cư HH Linh Đàm.

Theo thông tin báo chí cho biết, 2 lô đất này hiện đang được quây kín bởi các tấm tôn cao để tận dụng thành bãi trông giữ xe ô tô.

Ô đất C1/NT3 với diện tích 0,6 ha cũng được quy hoạch với mục đích xây dựng thành trường mầm non.

Tại buổi làm việc trước đó ngày 29/9, ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiến nghị thành phố chỉ đạo Tổng công ty HUD bàn giao lại 7 ô đất bị bỏ hoang trong 20 năm qua. Mục đích để quận đầu tư trường học công lập. Theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, dân số cơ học của địa phương tăng mạnh qua mỗi năm, từ đó gây nên tình trạng thiếu trường lớp, tạo áp lực lên hạ tầng cơ sở.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới