Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/10
Không chỉ môi giới, nhiều nhà đầu tư BĐS “nghỉ nghề” đi kinh doanh nhà hàng, cafe, quán ốc…; Thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tăng 96,4% so với cùng kỳ... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Không chỉ môi giới, nhiều nhà đầu tư BĐS “nghỉ nghề” đi kinh doanh nhà hàng, cafe, quán ốc…
Đó là “chuyện vui nhưng có thật” đang diễn ra trên thị trường BĐS. Hàng loạt nhà đầu tư đợi thị trường bằng cách mở dịch vụ khác để kiếm thêm thu nhập giữa bối cảnh thị trường BĐS gặp khó.
Đó là “chuyện vui nhưng có thật” đang diễn ra trên thị trường BĐS. Hàng loạt nhà đầu tư đợi thị trường bằng cách mở dịch vụ khác để kiếm thêm thu nhập giữa bối cảnh thị trường BĐS gặp khó.
Vốn là nhà đầu tư lâu năm trên thị trường BĐS, kiếm tiền trăm, tiền tỉ lúc thị trường BĐS tốt, chị Ng hiện phải kinh doanh thêm cửa hàng cà phê và ăn uống để "bù" lại những ngày thị trường trầm lắng. Suốt nửa năm qua, gần như chị Ng không có thu nhập từ nghề chính của mình là đầu tư BĐS.
Số vốn có được từ đầu tư BĐS trước đó, chị bỏ hết vào kinh doanh trong lúc đợi thị trường. Theo chị Ng, dù việc kinh doanh không mấy thuận lợi do sự cạnh tranh tăng lên từng ngày nhưng để dòng tiền đó chờ thị trường hoặc bỏ vào BĐS ở giai đoạn này cũng không mấy khả quan. Chưa kể, để có dòng tiền trả các khoản lãi vay từ việc đầu tư đất thì lúc thị trường khó khăn, chị đã quyết định kinh doanh để tiền đẻ được ra tiền.
"Thời điểm trước đây, tôi chỉ đầu tư đất là chủ yếu, không phải vất vả để kinh doanh như hiện nay. Thế nhưng, lúc thị trường gặp khó, mình phải tính toán làm việc khác để chờ đợi thị trường tốt lên", chị Ng chia sẻ.
Cùng từng nhiều lần thắng thế trong đầu tư BĐS, Anh H, ngụ TP.HCM cũng phải "nghỉ nghề" suốt 4-5 tháng nay. Anh quyết định dùng 500 triệu đồng dư ra từ việc đầu tư BĐS trước đó để mở quán cafe. Nhà đầu tư này chia sẻ: Thời buổi khó khăn, kinh doanh làm ăn gì cũng khó. Chấp nhận "nhặt tiền lẻ" nhưng nếu không làm thì không biết khi nào thị trường BĐS mới hồi phục để làm ăn. Chưa kể, theo anh H, hiện nguồn tiền nằm hết vào trong đất nếu cứ ngồi một chỗ chờ đợi thì không ổn. Vì thế, kinh doanh thêm mảng khác với hi vọng sẽ có đồng ra vào lúc "thất nghiệp".
Thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tăng 96,4% so với cùng kỳ
Số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản lũy kế 8 tháng 2022 đạt hơn 26,86 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 96,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các vấn đề về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản. Theo Bộ trưởng, số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản lũy kế 8 tháng 2022 đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ tăng 96,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên toàn quốc năm 2022, tính đến ngày 6/9, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá UBND chiếm 72%, trung bình một bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND. Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn các tồn tại, hạn chế như ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao, nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật thuế và pháp luật có liên quan, chưa nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.
Theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, thực tế hiện nay, việc ấn định thuế được thực hiện có hiệu quả chỉ trong trường hợp cơ quan có liên quan (Công an điều tra, Thanh tra kiểm tra…) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế thì căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế mới hoàn toàn vững chắc. Tổng cục Thuế cũng nhận được báo cáo của một số cơ quan thuế địa phương báo cáo việc đã chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra nhưng cơ quan điều tra chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính vì không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế.
Giá nhà đất lao dốc, đã tới thời cơ bắt đáy?
Không ít nhà đầu tư bất động sản đang chờ những đợt bán tháo, giảm giá sâu để "bắt đáy" khi thị trường hạ nhiệt.
Trong bối cảnh thị trường kém thanh khoản, giá bất động sản có dấu hiệu hạ nhiệt. Ở nhiều phân khúc từng "sốt nóng" như đất nền, nhà liền kề, biệt thự có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư bị áp lực tài chính.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III vừa công bố của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy thị trường bất động sản vẫn mất cân đối nguồn cung. Bên cạnh đó, thanh khoản toàn thị trường kém, có nhiều phân khúc bất động sản đã giảm giá.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý III, giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại...
Còn số liệu của một đơn vị nghiên cứu thị trường vừa công bố cho thấy, giá bán đất nền tại một số tỉnh miền Bắc giảm như Bắc Ninh giảm 6%, Quảng Ninh giảm 7%, Bắc Giang giảm 5%...
Đáng chú ý, tại Hà Nội - nơi liên tục nằm trong vòng xoáy các cơn "sốt đất" 2 năm vừa qua, những khu vực từng "sốt nóng" trước đây như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Hoài Đức, Sóc Sơn cũng ghi nhận mức độ quan tâm và giá đều giảm. Cụ thể, mức độ quan tâm về đất nền Hoài Đức giảm 17%, Quốc Oai giảm 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Đông Anh giảm 8%; Long Biên giảm 21%, Gia Lâm giảm 28%; còn Thanh Trì giảm 24%. Về giá, Long Biên giảm sâu nhất với mức 10%, Thanh Trì giá giảm 9% còn Quốc Oai và Đông Anh giảm 1%.
Thị trường bất động sản quý IV/2022: Phân khúc đất nền giảm cả giá lẫn thanh khoản
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, phân khúc đất nền chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các chuyên gia nhận định đất nền là phân khúc “làm mưa làm gió” khi sốt đất, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thị trường trầm lắng.
Theo báo cáo quý III/2022 của các đơn vị phân tích thị trường, mức độ quan tâm tới bất động sản bán tiếp tục giảm. Cụ thể, Hà Nội giảm 1%, Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14% so với quý trước, trong khi đó tại TP.HCM tăng 6% so với quý II/2022. Trong đó, mức độ quan tâm đến phân khúc đất nền tại Hà Nội sụt giảm 18%, kéo theo giá rao bán tại một số quận, huyện giảm so với quý trước.
Cụ thể, đối với phân khúc đất nền mức độ quan tâm tại Quốc Oai giảm mạnh nhất 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%. Còn Long Biên, Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh có mức giảm lần lượt là 21%, 18%, 17% và 8%.
Về giá rao bán phân khúc đất nền, giảm mạnh nhất tại Long Biên, Thanh Trì giảm lần lượt là 10% và 9%, huyện Đông Anh và Quốc Oai giảm 1%. Còn phân khúc đất nền tại các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông chỉ tăng nhẹ từ 1-5%, do hưởng lợi từ một số dự án quy hoạch lớn sắp triển khai như dự án Vành đai 4,…
Tại một số điểm nóng bất động sản trong những năm qua như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang giá bán đối với phân khúc đất nền giảm từ 5 7%, còn tại Hải Phòng có xu hướng ngược lại, tăng nhẹ 3%.
Huyền Diệu