Thứ bảy, 27/07/2024 07:09 (GMT+7)
Thứ tư, 10/08/2022 19:10 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/8

Theo dõi KTMT trên

Vĩnh Long: Sẽ xây dựng hơn 785.000 m2 sàn nhà ở năm 2022; Thanh khoản thị trường bất động sản suy giảm; Thủ tướng "thúc" triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Vĩnh Long: Sẽ xây dựng hơn 785.000 m2 sàn nhà ở năm 2022

Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long cho biết, đang triển khai Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Theo Kế hoạch này, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm năm 2022 khoảng 785.194 m2.

Trong đó, nhà ở thương mại khoảng 200.025 m2 (tương ứng với khoảng 552 căn), chiếm tỷ lệ 25,5%; Nhà ở do dân xây dựng trên đất được bố trí tái định cư khoảng 6.000 m2 (tương ứng với khoảng 60 lô nền), chiếm tỷ lệ 0,8%; Nhà ở xã hội tăng thêm 6.238 m2 (tương ứng với khoảng 176 căn), chiếm tỷ lệ 0,8%; Nhà ở dân tự xây tăng thêm 572.931 m2 (tương ứng với khoảng 5.653 căn), chiếm tỷ lệ 73,0%.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/8 - Ảnh 1
Một góc thành phố Vĩnh Long.

Theo số liệu của Cục Thống kê đến năm 2025, dân số tỉnh Vĩnh Long là 1.025.001 người. Trong đó, năm 2021 là 1.023.270 người. Đến năm 2021, diện tích bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt 26,0 m2 sàn/người (trong đó: Khu vực đô thị đạt 26,3 m2 sàn/người; Khu vực nông thôn đạt 25,9 m2 sàn/người).

Tính đến thời điểm 31/12/2021, diện tích nhà  ở tối thiểu trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đạt 8,2 m2 sàn/người. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít tại các địa phương và đặc biệt là các khu nhà ở trọ cho sinh viên, công nhân lao động chủ yếu trên địa bàn thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và huyện Long Hồ, chưa đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu theo kế hoạch.

Đến năm 2021 tổng số nhà trên địa bàn tỉnh là 301.893 căn, trong đó: Nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 92,9%, tương đương 280.352 căn; Nhà ở thiếu kiên cố còn 3,5%, tương đương 10.653 căn; Nhà ở đơn sơ còn 3,6%, tương đương 10.888 căn (giảm 13.182 căn trên tổng số 24.070 căn).

Thanh khoản thị trường bất động sản suy giảm

Theo TS Đinh Thế Hiển, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, sức cầu, thanh khoản dự án đều đang giảm sút, tâm lý của nhà đầu tư dè dặt.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2022, ở phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ đã có trên 69 nghìn giao dịch thành công, tập trung chủ yếu tại: Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ. Có hơn 213 nghìn giao dịch đất nền thành công, bằng khoảng 138,7% so với quý I/2022; trong đó, có gần 40 nghìn giao dịch tại miền Bắc, 69 nghìn giao dịch tại miền Trung và 104,5 nghìn giao dịch tại miền Nam.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/8 - Ảnh 2
Giá nhà bị đẩy lên cao, vượt quá sức mua của phần lớn người dân

Thời gian qua, bất động sản nghỉ dưỡng là dòng sản phẩm có lợi thế trong dài hạn và thể hiện sức hấp dẫn khi giá tăng liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện giờ đã có những dấu hiệu chững lại và tồn kho tăng trong bối cảnh thị trường đang tái cân bằng.

Trong khi đó, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng chỉ trung trong quý I/2022, sau đó chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng của quý II/2022. Cả giá nhà ở riêng lẻ, đất nền đều có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố như lạm phát, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại và thanh khoản giảm rõ rệt. Nguồn cung hạn chế làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Bên cạnh đó, các kênh huy động vốn yếu và thiếu đã ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản Việt Nam. Ở thời điểm này, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án khu vực xa trung tâm.

Cùng với đó, dòng tiền chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc đang có nhu cầu để ở thực rất cao này.

Cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội có gì đặc biệt?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản số 5520/BKHĐT-QLĐT (8/8) gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/8 - Ảnh 3
Bộ KH&ĐT hướng dẫn chi tiết thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 01/7/2022, Bộ KH&ĐT hướng dẫn về quy trình, thủ tục chỉ định thầu đối với gói thầu về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả của việc chỉ định thầu.

Chủ đầu tư, bên mời thầu có trách nhiệm thực hiện quy trình chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Theo văn bản, quy trình chỉ định thầu thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Thủ tục chỉ định thầu phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Trường hợp cần chỉnh sửa các quy định nêu trong mẫu hồ sơ yêu cầu thì thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT và Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT, đảm bảo việc chỉnh sửa đó không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu.

Thủ tướng "thúc" triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chậm nhất trước ngày 15/8/2022 tổ chức họp báo, có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/8 - Ảnh 4
Đôn đốc việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bảo đảm khẩn trương, hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Theo công văn số 5014/VPCP-KGVX, về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15/8/2022 tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều nơi tập trung đông công nhân lao động nhưng tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động còn chậm. Trong số đó có nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở, hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp.

Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để hỗ trợ, giải quyết phần nào khó khăn về chỗ ở đối với người lao động.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến ngày 2/8, cơ quan bảo hiểm đã xác nhận theo mẫu số 02 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng cho 34.865 đơn vị với 2.957.609 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.