Điểm sáng du lịch tăng trưởng âm lộ ra những điểm tối về kinh tế
Đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế của TP.Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi sụt giảm sâu, gây thiệt hại nặng nề và sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.
Kết thúc năm 2020, trong số 5 tỉnh, thành phố của cả nước tăng trưởng âm thì khu vực miền Trung có đến 4 địa phương. Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa suy giảm 10,52%, Quảng Nam giảm 9,96%, Đà Nẵng giảm 9,77%, Quảng Ngãi giảm 1,02%. Lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, ngân sách các địa phương này hụt thu hàng chục nghìn tỉ đồng, hàng chục nghìn người lao động bị mất việc, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch họa.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, gây thiệt hại nặng nề và sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Thực tế này bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cần có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển trong thời gian tới của các địa phương miền Trung. Loạt bài “Sau đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố miền Trung điều chỉnh cơ cấu kinh tế” đề cập vấn đề này.
Một số người dân cho biết, mấy tháng qua, họ nghỉ việc không lương, tự kiếm việc để làm. Nhiều lao động đã lớn tuổi nên cũng khó xin việc.
Không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp cũng than khó: "Dịch Covid-19 từ tháng 2/2020 tới giờ khiến nhiều công việc ngưng lại, từ vận tải, khách sạn, nhà hàng, ăn uống đều giảm. Người bán nhiều hơn người mua, buôn bán gì cũng khó khăn”.
Chưa bao giờ, hoạt động dịch vụ, du lịch ở thành phố biển này lâm cảnh bi đát như thế. Mỗi góc phố, từng căn nhà trĩu nặng nỗi âu lo.
Bây giờ, ông Phạm Thanh Long, 53 tuổi, ở TP.Nha Trang, hằng ngày phải đi làm từ 4h sáng và trở về nhà lúc 23h đêm cùng nỗi lo chạy ăn từng bữa. Một năm trước, ông Long chạy xe du lịch, 2 người con bán hàng lưu niệm cho du khách Trung Quốc.
Mỗi tháng, cả nhà ông Long có thu nhập khoảng 30 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống. 9 tháng nay, cả gia đình ông bị mất việc làm. 3 cha con ông Long nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng không có kết quả, đành chạy xe ôm hoặc ai thuê gì làm đó. Cứ mỗi tháng phải trả 3 triệu đồng tiền thuê nhà, thêm chừng đó tiền chữa bệnh cho vợ và cũng ngần ấy tiền trả nợ ngân hàng, đặt lên vai ông Long gánh nặng mưu sinh. Cận Tết, ông Long mong có một công việc thu nhập ổn định nhưng xem chừng rất khó.
“Tôi mong muốn có việc làm ổn định, ở nhà có cháu nhỏ nữa, đòi hỏi phải có sữa và ăn uống. Tiền nhà, tiền ngân hàng không thể chậm, không thể thiếu được, giờ nào họ cũng đòi hết" - ông Long bày tỏ.
Hiện nay, đa số các khách sạn tại Khánh Hòa chưa mở cửa trở lại, 40.000 phòng khách sạn vẫn đóng cửa. Một số doanh nghiệp lớn hoạt động cầm chừng. Nhiều ông chủ bỗng chốc thành “con nợ”.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang cho biết, trước đây, mỗi tháng Công ty của ông doanh thu khoảng 50 tỉ đồng. Gần một năm nay thua lỗ gần 200 tỉ đồng. Theo đó, doanh nghiệp cắt giảm 400 người trong tổng số 600 lao động, công ty trở thành “con nợ” của Bảo hiểm Xã hội và các đối tác cung cấp sản phẩm lâu nay.
Theo ông Phạm Minh Nhựt, gần Tết, nhiều doanh nghiệp chật vật xoay tiền trả nợ: “Các khoản nợ cần phải giải quyết cuối năm. Năm 2020, nhiều tháng không làm được gì có những tháng 0 đồng. Vẫn phải có chi phí vận hành, không có doanh thu coi như là chi âm".
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, nước ta có hơn 32 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, thu nhập bấp bênh… Khu vực chịu tác động nặng nề nhất là ngành dịch vụ, du lịch, với hơn 70% lao động bị ảnh hưởng.
Con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, lâm cảnh nợ nần ngày càng tăng lên. Tại TP Đà Nẵng hơn 3.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Còn ở tỉnh Khánh Hòa hơn 1.600 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, giải thể. Cả nghìn chiếc xe du lịch trước đây liên tục đưa đón du khách nay phải nằm im, phơi nắng, phơi mưa. Hàng loạt cửa hàng tại những khu phố sầm uất đành phải đóng cửa gần cả năm nay chưa biết đến khi nào mới hoạt động trở lại.
Đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế của TP.Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi sụt giảm sâu. Những địa phương này từng là điểm sáng về du lịch, hội nhập sớm với dòng chảy kinh tế quốc tế. Tại các tỉnh, thành phố đó, khi hoạt động du lịch bị ngưng trệ do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, lập tức đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Trước tác động bất lợi của dịch bệnh, những điểm sáng du lịch đã và đang chuyển sang gam màu tối.
Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, chính sự phụ thuộc vào du lịch, dịch vụ đã làm cho kinh tế của địa phương tăng trưởng âm khi xảy ra đại dịch. “Vì sao Khánh Hòa tăng trưởng thấp nhất cả nước? Đó là vì cơ cấu kinh tế kinh tế của Khánh Hòa chưa thực sự cân đối, quá nặng về phát triển du lịch- dịch vụ. Cho nên khi Covid-19 xảy ra nó tác động mạnh vào dịch vụ, ảnh hưởng hết sức nặng nề, không có ngành khác kéo lại để cân đối".
Đại dịch Covid-19 ập đến, các điểm sáng du lịch tăng trưởng âm lộ ra những điểm tối, yếu kém. Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thì lâu nay, các lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh đã giúp các tỉnh, thành phố miền Trung phát triển nhanh về du lịch, dịch vụ. Và dịch vụ du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của các địa phương này, tạo bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội.
TS Trần Đình Thiên cho rằng, qua dịch bệnh Covid-19, các tỉnh, thành phố miền Trung cần nhìn rõ những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế; từ đó tính toán lại chiến lược phát triển, nhanh chóng điều chỉnh mục tiêu và cơ cấu kinh tế cho địa phương mình.
“Những địa phương này ngành du lịch lệ thuộc vào thế giới vậy, cho nên bị “tai họa’ rất nặng. Trong khi dịch bệnh diễn biến bất ngờ nên không thể ứng biến được. Cần phải đánh giá một cách bình tĩnh, đừng bác bỏ, phủ nhận, mất hết tinh thần phát triển" - TS Trần Đình Thiên chỉ rõ.
Thái Bình