Thứ ba, 23/04/2024 19:10 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 15:19 (GMT+7)

Đề xuất xây dựng Luật về Cấp nước sạch để tránh... "trục lợi chính sách"

Theo dõi KTMT trên

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, tình trạng "tranh tối, tranh sáng" khiến thị trường nước sạch khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm "trục lợi chính sách" cạnh tranh không lành mạnh.

Kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ thiết yếu này cho xã hội

Ngày 26/4, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tổ chức tọa đàm "Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách" với sự tham gia của đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội trong lĩnh vực dịch vụ cấp nước sạch.

Đề xuất xây dựng Luật về Cấp nước sạch để tránh... "trục lợi chính sách" - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Trong tiến trình hướng đến mục tiêu mọi người bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, Việt Nam đã tiến hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thiết yếu này cho xã hội.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù chủ thể thực hiện cung cấp dịch vụ công là Nhà nước, tư nhân hay các thiết chế xã hội dân sự, trách nhiệm đảm bảo cung cấp thực hiện dịch vụ là của Nhà nước.

Đề xuất xây dựng Luật về Cấp nước sạch để tránh... "trục lợi chính sách" - Ảnh 2
Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Dũng cũng nhấn mạnh 3 nguyên tắc phải tuân thủ để thiết kế thị trường này là "tính liên tục, quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân và giá cả phù hợp", nghĩa là nếu chưa có nước sạch thì phải đảm bảo cho người dân có nước; với giá cả phải chăng; và không để xảy ra tình trạng mất nước trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, soi chiếu với các nguyên tắc trên, cả về khả năng tiếp cận lẫn tính bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ nước sạch đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Điều đó một phần do tiến trình xã hội hóa, xây dựng thị trường dịch vụ công nước sạch chưa thực sự hợp lý, hiệu quả.

Đề xuất xây dựng Luật về Cấp nước sạch để tránh... "trục lợi chính sách" - Ảnh 3
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, trong khi Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thì đồng thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân.

Cũng theo ông Đồng, doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường, ví dụ như giá, khối lượng nước được mua dưới công suất. Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. "Tình trạng "tranh tối, tranh sáng" khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm "trục lợi chính sách" cạnh tranh không lành mạnh".

Mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt, thấp

Giá nước sạch hiện nay được điều tiết bởi nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung do Bộ Tài chính quy định.

Có thể nói, giá nước sạch tại địa phương là khác nhau do các yếu tố cấu thành giá bán nước sạch như chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý doanh nghiệp... là không giống nhau ở các địa phương.

Mặt khác, ông Đồng cho biết hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cho rằng mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt, thấp. Thêm vào đó, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh.

Ông Đồng cho hay: "Trên toàn quốc, nếu như ở thị trường điện trong vòng 10 năm qua có 9 lần điều chỉnh giá điện thì số lần điều chỉnh nước là rất ít. Cá biệt có địa phương như Hà Nội không điều chỉnh khung giá nước trong gần 10 năm qua".

Khuyến nghị của ông Đồng, cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này nên gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai.

Đề xuất xây dựng Luật về Cấp nước sạch để tránh... "trục lợi chính sách" - Ảnh 4
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại toạ đàm, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường.

Ông Cung đề xuất nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt.

T.S Nguyễn Đình Cung khuyến nghị: "Tương tự như ngành điện có Luật Điện lực, cần có một văn bản ở cấp độ luật để tạo lập khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch".

Đề xuất xây dựng Luật về Cấp nước sạch để tránh... "trục lợi chính sách" - Ảnh 5
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Cũng đồng ý với các ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước cho người dân.

Tuy nhiên, để tư nhân tham gia hiệu quả thị trường này, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. Một văn bản luật như khuyến nghị của ông Cung là cần thiết và Chính phủ nên sớm đề xuất để Quốc hội xem xét.

Nước là mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng triệu người dân. Bởi vậy, cần đưa ngành sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện và cần thiết xây dựng luật về sản xuất, cung cấp nước sạch.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất xây dựng Luật về Cấp nước sạch để tránh... "trục lợi chính sách". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.