Thứ sáu, 22/11/2024 16:58 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/03/2023 14:30 (GMT+7)

ĐBSCL: Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Ngày 17-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Tại buổi hội thảo, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT báo cáo khảo sát tình hình sản xuất lúa tại một số tỉnh, thành Long An, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ phục vụ xây dựng đề án. Các địa phương khảo sát thể hiện sự đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng của đề án và có kế hoạch cụ thể tham gia giai đoạn 2025 và đến năm 2030.

Trong đó, tỉnh An Giang sẽ tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất lúa; Đồng Tháp sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp; Cần Thơ sẽ xây dựng kế hoạch hệ thống cơ sở thủy lợi cho sản xuất lúa đến từng giai đoạn 2025 đến 2030 và cho toàn bộ diện tích của địa phương và tỉnh Long An là vùng lúa ứng dụng công nghệ cao.

ĐBSCL: Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh - Ảnh 1
Quang cảnh hội thảo Đề án 1 triệu ha lúa gạo ở ĐBSCL

Trên cơ sở định hướng quy hoạch lúa gạo của từng địa phương trong vùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phân tích, việc tổ chức lại sản xuất sẽ còn nhiều khó khăn về vấn đề chuyển đổi diện tích sản xuất, liên kết nông dân tham gia vào các hợp tác xã, đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các cơ quan chuyên môn cố gắng thúc đẩy sớm hoàn thành dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL với mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào vùng nguyên liệu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và đăng ký tham gia, hỗ trợ tích cực của các địa phương vùng cùng các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới.

Ông Li Gou, Chuyên gia cao cấp đánh giá, đại diện Ngân hàng Thế giới, vùng ĐBSCL có nền tảng và kinh nghiệm tốt từ Dự án VnSAT, đây sẽ là tiền đề để vùng xây dựng thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Việc áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững trong đề án sẽ giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính carbon mà thế giới đang hướng tới.

Cũng theo ông Li Gou, bên cạnh giảm chi phí sản xuất, dự kiến thu nhập của bà con nông dân sẽ được nâng thêm khoảng 20% thông qua cải thiện về năng suất và chất lượng; năng lực cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất lúa được nâng cao, dấu ấn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng sẽ được định hình, hệ sinh thái nông thôn được phục hồi. Từ đó, chuỗi giá trị lúa gạo trong Đề án sẽ được tăng cường cả về thế mạnh và chiều sâu.

Tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục bày tỏ ủng hộ đối với đề án, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm giúp hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện tốt đề án trong thời gian tới. Đại diện ngành Nông nghiệp nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL khẳng định có thể tham gia thực hiện Đề án và xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích khá lớn ngay trong năm 2024. Các diện tích lúa này không những đáp ứng các yêu cầu về canh tác theo các quy trình kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo chất lượng, an toàn và giảm khí phát thải mà còn có sự gắn kết giữa nông dân với nhau và với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Trong đề án, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng, sản lượng khoảng 6,2 triệu tấn lúa (3,8 triệu tấn gạo). Qua đó, thúc đẩy lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%; giảm lượng lúa giống xuống còn 80 kg/ha và lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%. 

Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành mục tiêu 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (7,7 triệu tấn gạo). Tham gia đề án, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; tỷ lệ diện tích áp dụng GAP và tương đương được công nhận đạt 100%; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%. Theo dự trù, kinh phí của Đề án 1 triệu ha lúa giai đoạn 2023-2030 trên 40.000 tỷ đồng. Bình quân 1ha lúa chất lượng cao được đầu tư 40 triệu đồng.

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới