Thứ hai, 25/11/2024 00:53 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/09/2023 09:00 (GMT+7)

Đất đá thải mỏ sẽ hủy hoại môi trường nếu sử dụng thiếu giải pháp kỹ thuật (Bài 7)

Theo dõi KTMT trên

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, nếu sử dụng đất đá thải mỏ đúng giải pháp kỹ thuật, có thể biến chất thải thành tài nguyên.

GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN: CẦN PHẢI SỬ DỤNG ĐẤT ĐÁ THẢI MỎ ĐÚNG CÁCH

LỜI TÒA SOẠN

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản. 

Trong phần Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản có nêu: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Tòa soạn tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội thì các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường luôn được các chuyên gia đầu ngành trong Hội đặc biệt quan tâm thông qua cơ quan ngôn luận của Hội.

Trước đó, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn như: Vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên và tham gia góp ý phản biện vào nhiều dự thảo luật của các bộ ban ngành... Các vấn đề sau đó được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất tích cực và thiết thực, thông qua các kiến nghị của Hội, nhiều vấn đề quan trọng được tháo gỡ và phổ biến một cách rộng rãi...

Tiếp nối những hoạt động đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới. Và tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, trong khuôn khổ tuyến bài viết về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin ghi nhận tại những địa điểm ven biển có xuất hiện đất đá thải mỏ tại địa bàn Quảng Ninh.

Đồng thời, tuyến bài cũng sẽ đưa những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất và một số giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường để sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ nhằm phát triển Quảng Ninh một cách bền vững như mong muốn của Đảng và Chính phủ đang thực hiện trên khắp đất nước.

Mặt khác, tuyến bài cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách tại tỉnh Quảng Ninh có cái nhìn tổng thể về hiện tượng này, nếu có ảnh hưởng thì kịp thời cảnh báo, khắc phục, tuyên truyền để giữ vững là một trong những địa phương phát triển vững mạnh trên mọi mặt trận.

Và đặc biệt hơn, tuyến bài này cũng nhằm mục đích góp ý một phần nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi.

Nguy hại tới môi trường ra sao?

Xung quanh vấn đề này, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã gặp gỡ, trao đổi ý kiến cùng PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển.

Đất đá thải mỏ sẽ hủy hoại môi trường nếu sử dụng thiếu giải pháp kỹ thuật (Bài 7) - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển trao đổi với PV.

Khi được PV đề cập tới hiện tượng một số dự án được sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp tại địa bàn Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, trên thực tế, đất đá thải mỏ có một vài thành phần, trong đó sỏi đá là chính. Khi các đá gốc, đá vỉa vỡ nát ra, nếu như bị nước mưa rửa trôi các phần tử bụi mịn than thì cũng chỉ là đất đá thông thường. Bên cạnh sỏi đá, trong đất đá thải mỏ sẽ vẫn còn lượng than cám, thậm chí là than cục (than kíp lê).

Những thứ này tác động tới môi trường ra sao?

Tiếp đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển cho biết, tác động thứ nhất quan sát được ngay bằng mắt thường là bụi bay ra từ đất đá thải mỏ. Nhưng tác động lớn nhất xảy ra khi lượng than tồn dư bị phân hủy do nước mưa.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, bản thân than là một loại trầm tích bị biến chất hình thành trong điều kiện đầm lầy yếm khí. Nếu như trong một môi trường nhiều mưa gió, bị lộ thiên khi gặp nước mưa sẽ xảy ra phản ứng hóa học. Khi đó, các khoáng vật gốc lưu huỳnh và sắt như Pirit,…, khi khai thác sẽ bị tách ra khỏi than, bị rửa lũa,…, tạo thành nước thải mỏ chứa các chất gốc lưu huỳnh và lưu huỳnh tự sinh.

Đất đá thải mỏ sẽ hủy hoại môi trường nếu sử dụng thiếu giải pháp kỹ thuật (Bài 7) - Ảnh 2
Du khách và người dân băn khoăn về chất lượng cát, nước tại bãi tắm Cột 8 phường Hồng Hà, TP.Hạ Long. Đây là hình ảnh thực tế trong quá trình khảo sát cùng các chuyên gia, PV đã ghi nhận được.

Nguồn nước này giữ lâu trong đất đá thải mỏ tự bản thân độ pH trong nước cũng bị giảm do axit hóa. Thậm chí, nước thải này độ pH xuống thấp bằng 4, trong khi độ pH nước biển là kiềm yếu (pH = 8 - 8,3). Nếu nguồn nước này bị rò rỉ ra biển, sẽ gây axit hóa vùng biển. Và như vậy, điều kiện sinh thái khu biển sẽ thay đổi, toàn bộ thế giới sinh vật biển không sống được.

Là một người gắn bó và am hiểu về biển, ông Hồi cho rằng, các sinh vật biển, 90% các loài có vỏ và xương bằng vôi (canxi carbonat- CaCO3). Khi nước biển từ kiềm tính chuyển sang bị nhiễm axit, thì các sinh vật biển này sẽ bị một chứng bệnh như người già gọi là loãng xương. Sinh vật nhiễm phải nước biển này sẽ còi cọc, vỏ mềm yếu, cuối cùng là không sống được hoặc suy thoái giống nòi. Đặc biệt là những sinh vật có xương sống, nếu xương sống bị mềm, yếu thì không thể phát triển được.

“Khi nguồn nước thải mỏ chứa axit đổ ra biển cũng sẽ làm thay đổi điều kiện sinh thái. Không chỉ gây ra những bệnh như loãng xương, mà còn làm thay đổi cả giới hạn sinh thái của một số nhóm loài sinh vật biển chịu được độ muối, độ pH trong ngưỡng nhất định. Lý thuyết là như thế...”, ông Hồi khẳng định.

Cũng theo ông Hồi, nhìn rộng ra, nếu như biển bị ô nhiễm axit và các bụi than sẽ làm giảm sút khả năng quang hợp, làm sụt giảm nguồn lợi hải sản nói riêng và sinh vật biển nói chung. Từ đó tác động trực tiếp tới sản xuất của người dân, sâu xa hơn là đời sống xã hội bởi đây vốn là một chuỗi liên hoàn.

Xin đừng quên nghĩa vụ Bảo vệ môi trường!

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, những tác động nguy hại cho môi trường kể trên dù là lý thuyết nhưng cũng dựa trên thực tiễn khoa học.

Và để tránh những tác động này, việc đổ chất thải mỏ ở đâu, đổ như thế nào là vô cùng quan trọng. Đây lại là khái niệm của vấn đề quy hoạch chứ không thể chỉ theo ý kiến của các nhà khoa học.

Đất đá thải mỏ sẽ hủy hoại môi trường nếu sử dụng thiếu giải pháp kỹ thuật (Bài 7) - Ảnh 3
Đây là hình ảnh cát có màu đen như được chụp lại được khi người dân khai thác sá sùng tại bãi tắm KĐT Phương Đông.

Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển nêu ý kiến, với những vùng không có giá trị kinh tế, không phải vùng nhạy cảm, ít bị tổn thương, không có giá trị bảo tồn hay văn hóa hay kinh tế như ao tù nước đọng thì việc san lấp trở thành bình thường.

Tuy nhiên, để tránh những chất phân hủy từ phế thải cả vật cứng và nước thải ra môi trường biển, cần xây dựng những công trình ngăn đắp ngay từ dưới sâu. Việc này nhằm tránh việc thẩm thấu nước thải mỏ ra biển hay những khu biển xung quanh. Còn nếu, những dự án gần biển, thì không được để những chất này tràn ra biển vì sẽ làm thay đổi điều kiện sinh thái biển, gây hủy hoại môi trường như đã nói trên.

Ông Hồi lấy ví dụ, là nhìn vào việc đơn giản hơn như chôn lấp rác. Quy trình chôn lấp hiện nay cũng có nhiều thay đổi để bảo vệ môi trường. Rác cũng phải đổ theo bậc, có be bờ ngăn rác tràn, có lót dưới để chống rò rỉ nước thải ra bên ngoài. Khi hoai hủy thì sẽ đổ thêm một lớp rác khác lên trên. Có như thế mới phân loại, trích các vòi nước thải theo bậc khác nhau để xử lý, không để nước rò rỉ từ bãi rác ra môi trường xung quanh.

“Nhưng việc này, quan trọng nhất vẫn là sự kiểm soát từ chính quyền địa phương. Đôi khi, quy định một đằng nhưng doanh nghiệp bên dưới lại thực hiện một nẻo. Vì vậy, địa phương phải kiểm tra, thậm chí có biện pháp xử phạt nặng đối với những doanh nghiệp không tuân thủ các quy trình kỹ thuật”, ông Hồi nhấn mạnh vai trò quản lý của địa phương.

Nhìn rộng ra thế giới thì sao?

Ông Hồi khẳng định, không chỉ Quảng Ninh hay Việt Nam mới khai thác than và có đất đá thải mỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng ra sao, ở đâu lại là khía cạnh khác.

Một là kỹ thuật khai thác sạch, khai thác triệt để. Hàng trăm năm trước, chúng ta khai thác chỉ chọn than cốc, nhiệt lượng cao. Chính vì vậy, trong phế thải, chất thải mỏ vẫn có tài nguyên (than cám và khoáng chất khác) có giá trị. Đây chính là sự lãng phí tài nguyên, thiên nhiên.

Đất đá thải mỏ sẽ hủy hoại môi trường nếu sử dụng thiếu giải pháp kỹ thuật (Bài 7) - Ảnh 4
Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả) được xây dựng trên nền bãi thải.

Sau này, từ những năm 2000 trở đi, nhiều người dân Quảng Ninh lại tận thu lọc lấy than cám từ chính bãi thải của các mỏ và nhà máy. Do đó, nếu biết tận thu, khai thác lại, tái sử dụng, kể cả ở những bãi thải hàng trăm năm thì chất thải cũng chỉ còn lại đá sỏi. Trong kinh tế tuần hoàn, hoàn toàn có thể tận dụng lại lượng phế thải, phế liệu này để gia công, làm gạch, san nền,…

Nhưng, điều quan trọng nhất là dùng kỹ thuật nào để phân loại. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ, một số nhà đầu tư của chúng ta có một cái bệnh nan y là “tiết kiệm” tiền, tất cả là tiền. Cho nên, họ thường quên đi nghĩa vụ bảo vệ môi trường hay các giải pháp kỹ thuật như đã nói bên trên.

Thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng rất nhiều tài nhiên khoáng sản và biển, chứa đựng các giá trị quốc gia và quốc tế, một số có giá trị ngoại hạng toàn cầu. Vậy làm sao phải tận dụng, khai thác triệt để, biến phế thải thành tài nguyên cho nhiều mục đích kinh tế, nhưng vẫn bảo vệ môi trường.

Đất đá thải mỏ sẽ hủy hoại môi trường nếu sử dụng thiếu giải pháp kỹ thuật (Bài 7) - Ảnh 5
Quảng Ninh nói chung, huyện Vân Đồn nói riêng là nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là du lịch và kinh tế bảo tồn.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhận định, Quảng Ninh nói chung, huyện Vân Đồn nói riêng là nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là du lịch và kinh tế bảo tồn. Nhưng làm sao để kết hợp hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường lại là chuyện cần lưu ý. Điều này phụ thuộc vào phương án quy hoạch tổng thể chứ không phải chỉ các giải pháp kỹ thuật cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi gợi ý, hướng đi đúng đắn của Vân Đồn là phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn. Nhờ những giá trị bảo tồn, thiên nhiên tươi đẹp, cần khai thác các lợi thế và biến nó thành lợi ích của Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

“Ngành du lịch ở đây cũng phải tự nâng lên tầm quốc tế. Mà đã là du lịch quốc tế thì phải đảm bảo các yếu tố xanh - sạch - bền vững, môi trường không rác thải”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ.

Những đóng góp ý kiến về chuyên môn của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Ban Biên tập Tạp chí sẽ tập hợp cùng với các ý kiến của các nhà khoa học khác để tập hợp lại gửi tới Ban dự thảo về Luật Địa chất và Khoáng sản đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. 

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Nhóm Phóng viên

Bạn đang đọc bài viết Đất đá thải mỏ sẽ hủy hoại môi trường nếu sử dụng thiếu giải pháp kỹ thuật (Bài 7). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới