Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án
Trong giai đoạn thực hiện dự án, chủ dự án cần có thời gian để đưa các cam kết bảo vệ môi trường, giải pháp giảm thiểu tác động xấu, biện pháp xử lý chất thải trong kế hoạch bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn thực hiện dự án, chủ dự án cần có thời gian để đưa các cam kết bảo vệ môi trường, giải pháp giảm thiểu tác động xấu, biện pháp xử lý chất thải trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận của dự án vào thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ mời thầu, hợp đồng với nhà thầu thi công… để phục vụ triển khai dự án.
Theo phản ánh của ông Ngô Duy Linh (Kiên Giang), Điều 7 Thông tư số 32/2015/TT-BGTVT quy định về bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có nêu: “1. Chủ dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP hoặc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP trong giai đoạn chuẩn bị dự án”.
Tại Điều 31 Luật Bảo vệ môi trường: “Thời điểm đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường: Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 29 của Luật này phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Ông Linh hỏi, đối với dự án lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kế hoạch bảo vệ môi trường phải thực hiện đăng ký trong giai đoạn chuẩn bị dự án có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Theo quy định pháp luật hiện hành, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc diện phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường thường là dự án có quy mô nhỏ, mức độ tác động môi trường không lớn, thời gian thực hiện dự án ngắn và kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án phải được xác nhận trước khi triển khai dự án.
Thông tư số 32/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án là phù hợp, lý do:
Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án cần có thời gian để thực hiện nhiều bước công việc: (1) Lập, thẩm định, phê duyệt thuyết minh đề cương dự toán lập kế hoạch bảo vệ môi trường; (2) lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu; (3) tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn; (4) tư vấn thực hiện khảo sát, nghiên cứu kế hoạch bảo vệ môi trường; (5) chủ dự án thông qua nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường; (6) chủ dự án gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; (7) cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường (thời gian xem xét, xác nhận theo quy định là 10 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch bảo vệ môi trường, chưa kể thời gian chỉnh sửa kế hoạch bảo vệ môi trường trong trường hợp phải chỉnh sửa).
Bên cạnh đó, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phải được lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường được nêu trong kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn thực hiện dự án, chủ dự án cần có thời gian để đưa các cam kết bảo vệ môi trường, giải pháp giảm thiểu tác động xấu, biện pháp xử lý chất thải trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận của dự án vào (1) thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công (nếu có), (2) hồ sơ mời thầu, hợp đồng với nhà thầu thi công,… để phục vụ triển khai dự án.
Như vậy, thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án là chủ động nhằm bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và đáp ứng tiến độ dự án.