Thứ sáu, 22/11/2024 11:41 (GMT+7)
Thứ ba, 20/09/2022 14:43 (GMT+7)

Đắk Lắk: Người dân vùng “rốn lũ” ngóng chờ dự án Đê bao ngăn lũ còn dang dở

Theo dõi KTMT trên

Người dân xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lắk) phải gánh chịu nhiều cơn lũ, thiệt hại lớn về cây trồng, tài sản, thậm chí là tính mạng. Họ vừa mừng, vừa phải mong mỏi chờ đợi công trình đê bao hoàn thiện để hoạt động sản xuất.

Tại sao dự án đê bao 200 tỷ thi công gián đoạn?

Theo Quyết định số 2886/QĐ-UBND, ngày 30/10/2018 về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana (gọi tắt là Dự án). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư. Công trình đi qua 3 xã của huyện Lắk gồm: Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết; tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho các công trình chống hạn cấp bách thuộc Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai.

Tổng chiều dài của toàn tuyến đê bao khoảng 15 km (bao gồm cộng cả 2 km đường nối vào khu sản xuất). Diện tích đất bị ảnh hưởng phải thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện công trình là 30,7 ha của 238 hộ dân. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Lắk đã phê duyệt 9 phương án bồi thường, hỗ trợ cho 139 hộ, với diện tích 15,5 ha. Hiện còn 15,2 ha (chiếm 49,5% khối lượng) chưa thực hiện GPMB, trong đó diện tích đất trên tuyến xây dựng đê bao là 1,49 ha; diện tích đất làm vật liệu xây dựng đắp đê là 13,7 ha.

Đắk Lắk: Người dân vùng “rốn lũ” ngóng chờ dự án Đê bao ngăn lũ còn dang dở - Ảnh 1
Một trong những hạng mục của dự án, đoạn qua địa bàn xã Buôn Tría, huyện Lắk đang thi công dang dở.

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Thìn – Phó Giám đốc Ban dự án cho hay: “Đây là dự án Đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana, tổng chiều dài 15km trong đó có 2km đường dẫn. Mục đích của dự án là để ngăn lũ Tiểu mãn hàng năm, kết hợp giao thông nội đồng. Đến nay, dự án đã thi công đạt 18,75% khối lượng hợp đồng. Về giải phóng mặt bằng (GPMB), giao Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lắk, đã thực hiện  đạt 11,2km còn lại 1,8km. Hiện nay, dự án còn vướng mắc về mặt bằng và vật liệu đắp. Về mặt bằng điều chỉnh phù hợp và bắt đầu từ 1/10 tới. Còn về vật liệu đắp, đã quy hoạch rồi nhưng chưa có kế hoạch sử dung đất.

Về mục đích và thế mạnh của dự án; Đặc điểm về địa hình của huyện Lắc nói chung và 03 xã có dự án hình thành nói riêng. Đây được xem là rốn lũ và đặc thù phát triển sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa nước. Vì vậy, xây dựng dự án nhằm mục đích ngăn lũ Tiểu mãn, đảm bảo cho vụ hè thu, tăng vụ mùa lên thành 2 vụ hàng năm, đạt sản lượng tang cao”, ông Thìn cho biết thêm.

Người dân thấp thỏm lo lắng trong sản xuất mùa vụ

Với thực tế , dự án công trình Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana đang dang dở chưa hoàn thành, hằng năm các vụ lúa ở các xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết đều phải hứng chịu các cơn lũ tiểu mãn, lũ chính vụ gây thiệt hại nhiều về cây trồng, thậm chí là mất trắng. Với tính chất địa hình, nơi đây phù hợp với nhiều loại hình sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn là trồng cây lúa nước của người nông dân nơi đây. Bởi vậy, mỗi khi mùa lũ về người dân thấp thỏm lo lắng và chấp nhận như “đánh bạc” với trời vậy.

Một người sinh sống tại xóm Huế, xã Đắk Liêng cho biết, gia đình bà có 2 ha ở cánh đồng 8/4 thuộc địa bàn xã Buôn Tría. Những năm gần đây nhờ có hệ thống kênh mương tưới nước nên việc sản xuất lúa vụ đông xuân gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vào vụ hè thu, hầu như năm nào cũng phải gánh chịu một đến hai cơn lũ tiểu mãn, bao công chăm sóc, chi phí bị lũ cuốn ra sông. Chẳng hạn như vụ hè thu năm nay, thời điểm bị ngập lúa đang ngậm sữa, cộng với ngâm nước lâu ngày nên 1 ha lúa của gia đình bà mất trắng hoàn toàn, diện tích còn lại năng suất, sản lượng rất thấp.

Gia đình bà cũng thuộc hộ dân có diện tích đất nằm trong dự án. Để sớm hoàn thành dự án nên gia đình cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành do đạc và giao đất để GPMB. Đầu năm nay bà thấy máy móc, công nhân thi công ở khu vực gần ruộng nhà bà, không hiểu sao cả mấy tháng nay lại không thấy “bóng dáng” thiết bị nào hết. Bà mong rằng chủ đầu tư và đơn vị liên quan triển khai dự án trở lại để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm giúp người dân làm lúa yên tâm sản xuất.

Đắk Lắk: Người dân vùng “rốn lũ” ngóng chờ dự án Đê bao ngăn lũ còn dang dở - Ảnh 2
Vụ mùa tại xã Buôn Triết, huyện Lắk, lúa "nằm bẹp" do ngâm trong nước mùa lũ.

Chủ tịch UBND xã Buôn Tría ông Nguyễn Trọng Biết cho hay: “Công trình Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana qua địa bàn xã dài khoảng 4,9 km, hiện mới GPMB được 1,7 km. Tổng diện tích gieo trồng lúa nước mỗi năm của xã Buôn Tría khoảng 2.000 ha, trong đó vụ hè thu khoảng 900 ha, hầu như năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi các cơn lũ tiểu mãn thường xảy ra vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Đơn cử như vụ hè thu năm nay, địa phương mất trắng gần 500 ha lúa nước, chưa kể với diện tích còn lại năng suất, sản lượng giảm nghiêm trọng. Hơn 40 năm nay, người dân ở xã Buôn Tría, Buôn Triết vẫn luôn trông chờ công trình đê bao ngăn lũ hoàn thành để đảm bảo an toàn, phục vụ cho bà con yên tâm sản xuất mùa vụ hàng năm”.

PV TT Tây Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Người dân vùng “rốn lũ” ngóng chờ dự án Đê bao ngăn lũ còn dang dở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới