Thứ ba, 16/04/2024 13:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 09:51 (GMT+7)

Đắk Lắk: “Lời nói vần của người Êđê” là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Theo dõi KTMT trên

“Lời nói vần của người Êđê” (hay còn gọi Văn vần) vừa được Bộ văn hoá, thể thao và du lịch công bố đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đó chính là báu vật trong những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông cộng đồng người Êđê để lại.

Người Êđê ở huyện Cư M’gar vốn là một cộng đồng có nền văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú, với những phong tục tập quán đặc sắc.

Lời nói vần, tiếng Êđê gọi là “Klei duê”, theo đó, “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Trước kia, lời nói vần xuất hiện khá phổ biến trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Êđê. Lời nói vần với những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động, giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu. Loại hình này có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), khan, kứt, eirei. Lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng, có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, bên ché rượu cần khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình hay người già răn dạy con cháu. Người diễn xướng Klei duê tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.

Đắk Lắk: “Lời nói vần của người Êđê” là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Ảnh 1
Nghệ nhân Y Wang Hwing buôn Triă, huyện Cư'Mar (bên trái). Là người am hiểu, trình diễn "Lời nói vần".

Với nét văn hoá văn vần, trước đây trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của họ, ở đâu cũng thấy có văn vần, trong dân ca, bài cúng, sử thi, luật tục... Nhất là vào những ngày thu hoạch mùa màng, đứng từ xa thì nghe tiếng chiêng, đến gần thì nghe tiếng hát văn vần. Lời nói vần làm nhiệm vụ “phô diễn tâm tình” của cộng đồng qua lời ca. Nó không chỉ tái hiện được cuộc sống tộc người Êđê một cách chân thực, mộc mạc, mà còn thể hiện được tri thức dân gian về tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên; chứa đựng những giá trị nhân văn về tình yêu của lứa đôi, tình yêu lao động, tình yêu quê hương, buôn làng, đặc biệt là sự dạy bảo con cháu, giáo dục cộng đồng luôn đoàn kết để bảo vệ buôn làng bình an, hạnh phúc và phát triển. Đơn cử như đoạn văn vần: “Chớ nên nuôi ong trên xà ngang nhà/Chớ nên nuôi rắn dưới đáy ché/Chớ nuôi con kẻ thù trong nhà” được dùng để đưa ra lời khuyên răn, giáo dục mang đậm triết lý sâu sắc và nhận thức về cuộc sống xã hội.

Văn vần dân tộc Êđê là những câu có độ dài ngắn khác nhau được diễn đạt theo lối nói vần, có mặt trong hầu hết các hình thức văn hóa dân gian ngôn từ của người Êđê, tồn tại trong quá trình phát triển của  tộc người Êđê, truyền từ đời này sang đời khác. Người lớn tuổi, già làng, các nghệ nhân sử dụng văn vần trong các nghi lễ, trong sinh hoạt hằng ngày, lớp trẻ được tiếp thu và truyền lại đến ngày nay. Các nghệ nhân ở các buôn làng cũng chính là lực lượng nòng cốt trong việc sáng tạo và lưu truyền lời nói vần trong đời sống cộng đồng Êđê. Họ không chỉ là ngọn lửa để lưu truyền những klei duê từ đời này qua đời khác, mà còn sáng tạo những lời nói vần ngày càng phong phú, phát triển như sự sống sinh sôi của dân tộc Êđê ở vùng đất Cư M’gar.

Đắk Lắk: “Lời nói vần của người Êđê” là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Ảnh 2
Người thân, bạn bè, gia đình cùng uống rượu cần cùng trò chuyện với nhau là một trong những không gian diễn xướng "Lời nói vần" của người Êđê.

Bởi thế, tuy quá trình hội nhập diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng đồng bào dân tộc ÊĐê trên địa bàn huyện luôn có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Vì vậy, hiện nay đồng bào Êđê trong huyện còn lưu giữ trên 260 bộ cồng chiêng, 47 trống cái, 76 ghế Kpan, trên chục ngàn cái chế-nồi đồng và nhiều nhạc cụ dân gian khác như: Đing năm, Puôt Tut, Ky Pah, Goong và các dụng cụ thể thao dân tộc. Trên 47% số hộ ở 69 buôn đồng bào Êđê còn giữ được nếp nhà dài truyền thống của dân tộc.

Nhiều buôn làng, dòng họ và nghệ nhân còn nghiên cứu, tìm mua lại các bộ cồng chiêng để sinh hoạt, chế tácvà vừa mang tính khai thác, vừa phát triển lên tầm cao mới. Hầu hết các buôn đồng bào Êđê trong huyện đều có nghệ nhân dệt thổ cẩm. Huyện CưMgar đã đầu tư xây dựng được 05 nhà nghề dệt thổ cẩm theo phong cách nhà dài truyền thống của người Êđê ở buôn Kna A xã CưMgar; buôn Triă xã EaTul; buôn Tah xã EaDrơng; buôn Drao xã CưDliêMnông, buôn Pốk A thị trấn EaPốk. Đồng thời hiện nay đồng bào Êđê trong huyện còn lưu giữ và phát huy trên 30 lễ-hội truyền thống. Đây là những giá trị văn hóa truyền thống góp phần nâng cao lòng tự hào và ý thức giữ gìn văn hóa cộng đồng của đồng bào Êđê trong quá trình hội nhập và phát triển.

PV TT Tây Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: “Lời nói vần của người Êđê” là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới