Chủ nhật, 28/04/2024 07:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/06/2023 15:50 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội thắc mắc "EVN lỗ thật hay không?"

Theo dõi KTMT trên

Theo Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, sắp tới thanh tra, kiểm toán EVN, cần phải có câu trả lời rõ ràng rằng có phải đúng là lỗ thật hay không, có đúng là mua giá cao bán giá thấp.

Thanh tra, kiểm tra để có câu trả lời

Liên quan câu chuyện thiếu điện, phải cắt điện luân phiên trong những ngày qua, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, đây là vấn đề đang được rất nhiều đại biểu quan tâm. Hiện nay, việc thiếu điện đang khiến cho nhiều người dân, doanh nghiệp phải lo lắng. Nhất là vừa qua, Bộ Công Thương cho biết hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến dân sinh mà còn ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Do đó, cần đánh giá tổng thể của tác động này đến kinh tế xã hội, thậm chí là cả vấn đề an ninh trật tự.

Đại biểu Quốc hội thắc mắc "EVN lỗ thật hay không?" - Ảnh 1
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, chưa nên đổ lỗi cho ai về việc để thiếu điện, đặc biệt là các sự cố cắt điện vừa qua bởi cần phải được đánh giá cẩn trọng trong từng lĩnh vực, nhiều khía cạnh. Trước tình trạng này, cần phải có một cuộc rà soát lại thật kỹ về hệ thống quản lý, rồi kinh doanh, sản xuất, phân phối điện của chúng ta.

Đại biểu An cho rằng ngành điện để xảy ra tình trạng này là có nhiều nguyên nhân, trong đó là về cơ chế vận hành, thị trường. Theo đó cần xem lại chính sách phát triển năng lượng nhằm bảo đảm hài hòa các nguồn năng lượng khác nhau như nước, năng lượng mặt trời, gió…

"Cơ chế đang là nửa thị trường, nửa điều tiết lại có cả sự can thiệp. Không phải là người ủng hộ cơ chế thị trường 100% khi đất nước đang trong bối cảnh cần phải định hướng, nhưng tôi cho rằng nếu để cho doanh nghiệp nhà nước làm thì phải có lãi", đại biểu An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị cần đánh giá lại việc mua điện giá cao, bán giá thấp của EVN. "Nếu mà đúng là mua cao, bán thấp thì phần khó khăn đang dồn cho EVN. Do đó chúng ta cần có phương án mua theo cơ chế từ đơn vị có giá thấp trước, rồi đến giá cao".

Đại biểu Trịnh Xuân An kỳ vọng sắp tới Chính phủ sẽ có câu trả lời rõ ràng cho nhân dân biết rõ sự tình. "Sắp tới thanh tra, kiểm toán EVN, cần phải có câu trả lời rõ ràng rằng có phải đúng là lỗ thật hay không, có đúng là mua giá cao bán giá thấp", đại biểu An cho hay.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề hai mặt của ngành điện. “Đã là thị trường thì phải chấp nhận có lãi thì làm, không thì thôi. Còn nếu không làm được thì phải để cho đơn vị khác làm. Tránh tình trạng tuyệt đối lợi dụng độc quyền để làm méo mó thị trường gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội thắc mắc "EVN lỗ thật hay không?" - Ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cũng đề nghị Chính phủ cần thanh tra đặc biệt với EVN.

"Không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng" - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng, EVN là một trong những thiết chế kinh tế trụ cột, có sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có cả việc bảo đảm cung cấp điện sản xuất, cho quản lý và cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu điện và cắt điện sinh hoạt của người dân xuất hiện nhiều nơi trong cả nước, các nhà máy sản xuất điện ở miền Bắc phải giảm sản xuất điện, do EVN cắt điện 50%.

Cũng theo đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, việc cắt điện sinh hoạt của người dân trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ tăng cao đang diễn ra chưa phản ánh đúng tinh thần phục vụ nhân dân là rất đáng trách.

“Điều này khẳng định rằng nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân của EVN không hoàn thành. Vậy ý nghĩa là một Tập đoàn kinh tế của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của ngành điện như thế nào? Tinh thần phụng sự nhân dân như thế nào, có hoàn thành hay không? Tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo làm rõ vấn đề này”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Lỗ do đâu?

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 báo lỗ 26.000 tỷ đồng.

Theo bà Yên, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019) và vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

Đại biểu Quốc hội thắc mắc "EVN lỗ thật hay không?" - Ảnh 3

Đặc biệt, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Dẫn chứng, hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.550 tỷ đồng và 3.668 tỷ đồng…

"Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên hỏi.

Cũng đặt vấn đề về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, trong khi các công ty con, công ty thành viên từ sản xuất đến truyền tải điện đều báo lợi nhuận tăng cao trong năm vừa qua thì người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao công ty mẹ là EVN lại thua lỗ? Khoản lỗ đó đến từ đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Hay cái này chủ yếu thuộc về mặt quản lý? Những câu hỏi này cần có câu trả lời thỏa đáng.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội thắc mắc "EVN lỗ thật hay không?". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới