Đà Nẵng: Yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ô nhiễm sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường
Sau phản ánh của Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, UBND xã Hòa Nhơn yêu cầu các đơn vị đang hoạt động khai thác đá tại thôn Phước Thuận – Phước Hậu họp thống nhất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm do vận chuyển khoáng sản.
Ngày 20/12, Tạp chí Kinh tế Môi trường có bài phản ảnh “Đà Nẵng: Người dân khốn khổ vì bụi từ xe vận chuyển khoáng sản”. Bài viết thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường trên tuyến đường liên thôn Thạch Nham Tây, Phước Thuận - Phước Hậu do các xe vận chuyển khoáng sản từ các mỏ trên địa bàn gây ra khiến tuyến đường trên luôm chìm trong cảnh nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì lầy lội bùn đất.
Sau bài viết của Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, UBND xã Hòa Nhơn đã yêu cầu các đơn vị khai thác đá tại thôn Phước Thuận – Phước Hậu họp thống nhất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, rơi vãi bùn đất do xe vận chuyển khoáng sản gây ra, không để ảnh hưởng đến cuộc sông và việc đi lại của người dân.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Trần Văn Thu – Chủ tịch UBND xã Hoà Nhơn cho biết: “Sau khi tiếp nhận phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường, UBND xã Hoà Nhơn lập tức kiểm tra xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên tuyến đường liên thôn Thạch Nham Tây, Phước Thuận - Phước Hậu do các xe vận chuyển khoáng sản tại thôn Phước Thuận – Phước Hậu gây ra, UBND xã yêu cầu các đơn vị đang hoạt động khai thác đá tại đây họp thống nhất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Đồng thời, UBND xã yêu cầu các đơn vị khẩn trương sửa chữa đường công vụ đổ cấp phối rải đường tránh tình trạng xe tải khi lưu thông ra đường liên thôn kéo theo bùn đất”.
“Hiện nay tại khu vực thôn Phước Thuận – Phước Hậu đang có 3 đơn vị hoạt động về khai thác đá gồm: Công ty Quang HT; Xí nghiệp bê tông nhựa, khai thác đá xây dựng thuộc Công ty công trình giao thông Đà Nẵng và Công ty khoáng sản Miền Nam, trong thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xử lý theo quy định của pháp luật nếu các đơn vị tiếp tục vi phạm”, ông Thu cho biết thêm.
Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường tuyến đường bê tông liên thôn từ thôn Phước Thuận – Phước Hậu ra đường Trường Sơn. Người dân sinh sống dọc tuyến đường bê tông liên thôn, bức xúc trước tình trạng xe tải vận chuyển khoáng sản và xe vận chuyển nguyên liệu cho các trạm trộn bê tông liên tục ra vào kéo theo bùn, đất rải khắp mặt đường khiến đoạn đường nay luôn chìm trong cảnh bụi bặm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Theo GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường, ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất nghiêm trọng với sức khỏe, "nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5, bụi này siêu nhỏ, có thể đi sâu vào trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh tật, kể cả ung thư". Nguồn gây ô nhiễm không khí khoảng 40% từ hoạt động giao thông, 16% từ hoạt động xây dựng. Hoạt động giao thông làm phát sinh bụi mịn PM2.5, còn xây dựng gây ra bụi có kích cỡ lớn hơn là PM10 nhưng khi rơi xuống đường phố, xe cộ chạy qua lại cũng làm bào mòn bụi PM10 thành bụi mịn.
Trọng Nghị - Bình Dương