Đà Nẵng phát triển theo định hướng Thành phố môi trường
Nhằm tìm giải pháp đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã phối hợp CECR tổ chức hội thảo quốc tế “Địa phương hóa và hợp tác hiệu quả, vì Đà Nẵng – Thành phố môi trường”.
Hội thảo quốc tế “Địa phương hóa và hợp tác hiệu quả, vì Đà Nẵng – Thành phố môi trường” do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng) cùng Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo có sự tham dự của Đại diện Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, các chuyên gia, cố vấn của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam; Cục Quản lý Tài nguyên Nước; đại diện các tổ chức, các đối tác (trong nước, quốc tế) lĩnh vực bảo vệ tài nguyên – môi trường; đại diện các Sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông.
Khai mạc hội thảo, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng thông tin, Đề án "Xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030", Đà Nẵng hiện là địa phương duy nhất của Việt Nam tiên phong phát triển theo định hướng Thành phố môi trường. Trong đó, ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái.
Để thực hiện Đề án này, TP. Đà Nẵng đã chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành ở các địa phương. Một số dự án hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực từ bên ngoài đã và đang được triển khai với kết quả khả quan, tạo được tác động tích cực đối với công tác quản lý môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, hành động về bảo vệ môi trường của người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng thông tin, trong giai đoạn 2021- 2024, Đà Nẵng đã huy động hơn 70 tỷ đồng từ các dự án hợp tác quốc tế, qua đó cũng đã thiết lập được sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước và các chuyên gia địa phương trong công tác triển khai các giải pháp, các sáng kiến về bảo vệ môi trường tại địa phương.
Đánh giá cao sáng kiến xây dựng “ Đà Nẵng – Thành phố Môi trường”, bà Ann Maxine Wallace – Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường (USAID) cho biết, USAID cam kết đồng hành cùng Đà Nẵng trong cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe người dân một cách bền vững.
Các dự án nhận tài trợ trong khuôn khổ Sáng kiến Địa phương của USAID tại Việt Nam gồm: Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ nguồn nước - CAWACON (CECR); Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” - LSPP (Green Hub); Dự án Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe môi trường (PHAD); Dự án “Chung tay vì Không khí sạch” - CAfCA (Live&Learn). Trong đó có ba dự án đang trực tiếp hợp tác chặt chẽ với hợp tác chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cũng như Chi cục Bảo vệ Môi trường Đà Nẵng bao gồm CAWACON, LSPP và CafCA.
“Hội thảo này đặt một dấu mốc cụ thể cho sự hợp tác tiếp tục giữa các tổ chức nhà nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác nhằm xây dựng "Đà Nẵng – thành phố sinh thái trong tương lai” – bà Ann Maxine Wallace, nhìn nhận.
Thay mặt Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Vũ Thùy Dung khẳng định, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, rất phù hợp với những mội dung hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với USAID.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận cách tiếp cận địa phương hoá trong công tác bảo vệ môi trường cùng các khía cạnh hợp tác quốc tế như tăng cường năng lực cho địa phương, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi cơ sở dữ liệu....
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng giai đoạn tới, TP. Đà Nẵng tập trung huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật để xây dựng "Đà Nẵng – Thành phố môi trường", thành phố sinh thái; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, khoáng sản; xây dựng xã hội tái chế hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ban Mai