Đà Nẵng đối mặt vấn nạn về rác và nước thải
Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về rác và nước thải trong mục tiêu hướng đến thành phố sinh thái.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng, hiện nay, mỗi ngày Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến từ năm 2020-2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; 2025-2030 phát sinh hơn 2.400 tấn/ngày; 2030-2040 phát sinh hơn 3.000 tấn/ngày. Những con số này cho thấy đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai.
"Tồn tại này là do việc thiếu trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật đối với chất thải rắn (trạm trung chuyển, điểm tập kết…), công nghệ xử lý lạc hậu, ô nhiễm kéo dài, chậm triển khai xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, thủ tục đầu tư còn vướng mắc, kèm theo đó là tình trạng xả rác bừa bãi" - ông Hùng cho hay.
Nước thải đổ ra biển Đà Nẵng có màu đen kèm mùi hôi thối. |
Bên cạnh đó, nước thải cũng là vấn đề rất "nóng" của TP Đà Nẵng hiện nay. Người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, hệ thống thu gom nước thải quá tải tại một số khu vực phát triển nhanh; khu vực nông thôn phần lớn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa chung với thoát nước thải nên xảy ra tình trạng nước thải tràn ra biển (55 cửa xả ra sông, biển)...
Các trạm xử lý nước thải tại đô thị đã cũ, công nghệ lạc hậu, kết cấu bể, thiết bị xuống cấp nên tỷ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 60%, tỷ lệ nước thải được xử lý đạt 42%. Do đó, các sự cố tràn nước thải ra biển thường xuyên xảy ra, có phản ánh ô nhiễm vì gần các khu dân cư, không đảm bảo cách ly vệ sinh.
Cùng với đó, việc tăng dân số, du lịch và dịch vụ phát triển nhanh (trung bình 19,8%/năm), suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai… cũng dẫn đến gia tăng chất thải, thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật, phát sinh sự cố môi trường. Đây chính là thách thức đối với Đà Nẵng trong tương lai.
Gia Phú