Thứ sáu, 29/03/2024 21:45 (GMT+7)
Thứ tư, 05/06/2019 07:48 (GMT+7)

Trách nhiệm Bộ Xây dựng ở đâu trong các vi phạm về trật tự xây dựng?

Theo dõi KTMT trên

Đây chính là câu hỏi mà nhiều vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trong phiên họp Quốc hội chiều 4/6.

Tại phiên chất vấn ngày 4/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt vấn đề, vi phạm trật tự xây dựng khá phổ biến, trách nhiệm của Bộ trưởng và các giải pháp để giải quyết hiện nay như thế nào?

Ông Hồng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải đáp cho những thắc mắc trong việc phối hợp với TP Hà Nội để xử lý dứt điểm sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.

Trách nhiệm Bộ Xây dựng ở đâu trong các vi phạm về trật tự xây dựng? - Ảnh 1
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, pháp luật hiên nay có những chế tài xử lý vi phạm trật tự xây dựng tương đối đầy đủ. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng để kiểm soát, xử lý, hạn chế vi phạm.

"Trên thực tế, đã có chuyển biến theo chiều hướng các vi phạm trật tự xây dựng ngày càng giảm dần, nhất là hành vi xây dựng không phép, sai phép" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Để làm rõ các vấn đề mà đại biểu thắc mắc, tư lệnh ngành Xây dựng đã có những dẫn chứng cụ thể. Theo đó, trong năm 2016, số công trình vi phạm 15,5 nghìn công trình (công trình không phép là hơn 7 nghìn, sai phép là hơn 5 nghìn công trình). Nhưng đến năm 2018, số lượng công trình vi phạm đã giảm xuống dưới 10 nghìn…

"Chúng tôi thấy rằng, tình hình vi phạm trật tư xây dựng có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đây cũng là vấn đề gây ra lệch lạc trong hoạt động xây dựng, gây ra bức xúc trong nhân dân" - Bộ trưởng Hà nói và cho rằng quy định quản lý còn một số nội dung bất cập, nhất là quy trình xử lý vi phạm phức tạp, thiếu khả thi và chưa được đồng bộ.

Đề cập về nguyên nhân dẫn đến các sự việc, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, một phần là do địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý trật tư xây dựng; mô hình thanh tra đô thị chưa hợp lý, chưa thực sự gắn kết với chính quyền địa phương; lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu…

"Nhiều trường hợp chậm phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý không kịp thời, không cương quyết, không triệt để" - Tư lệnh ngành Xây dựng cho biết thêm.

Liên quan đến việc xử lý công trình 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng Hà cho rằng, cả 2 vụ việc này đều thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội.

"Với toà nhà 8B Lê Trực, chúng tôi được biết, hiện nay Hà Nội đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Nhưng có vấn đề, khi cưỡng chế, phá dỡ theo chiều ngang thì làm rồi, nhưng phần theo chiều dọc thì có liên quan đến kết cấu và tính khả năng chịu lực của công trình. Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với Hà Nội sử dụng các đơn vị của Bộ để giúp nếu Hà Nội có yêu cầu. Còn HH Linh Đàm là vi phạm đã có rồi thì trách nhiệm xử lý là của Hà Nội" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Trách nhiệm Bộ Xây dựng ở đâu trong các vi phạm về trật tự xây dựng? - Ảnh 2
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tại nghị trường Quốc hội trả lời chất vấn. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Cũng tại phiên chất vấn chiều qua 4/6, các đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), Lý Tiết Hạnh (Bình Định), Lê Thanh Vân (Cà Mau), Nguyễn Văn Dành (Bình Dương), Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), Đặng Thuần Phong (Bến Tre)... đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà những nội dung, như: Giải pháp xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp xử lý vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng; trách nhiệm và giải pháp quản lý quỹ đất sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội đô Hà Nội; trách nhiệm của các bộ ngành và Bộ Xây dựng trong việc tham mưu quản lý căn hộ, biệt thự du lịch; vì sao chậm sửa đổi, bổ sung bộ quy chuẩn xây dựng; giải pháp phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản; giải pháp đột phá để tăng nguồn cung nhà ở xã hội; giải pháp cải tạo chung cư cũ ở các thành phố lớn; quy hoạch, khai thác các khu du lịch tâm linh; chất lượng xây dựng công trình,…

Theo đó, sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đối với câu hỏi của đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) về các vấn đề vướng mắc trong quản lý nhà chung cư hiện nay, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 4.422 chung cư và trong thời gian qua công tác quản lý, vận hành chung cư về cơ bản đáp ứng đủ các quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư thực hiện tốt, vẫn còn một số tranh chấp, cụ thể là có 458 nhà chung cư còn tranh chấp.

Các tranh chấp tại những nhà chung cư này liên quan chủ yếu đến các vấn đề sau: chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị nhà chung cư; đóng góp, bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí vận hành; xác định sở hữu chung - riêng; thu, chi tài chính, quy chế ban quản trị; dịch vụ nhà chung cư; không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà, tài sản khác gắn liền với đất; chất lượng công trình…

Gia Phú

Bạn đang đọc bài viết Trách nhiệm Bộ Xây dựng ở đâu trong các vi phạm về trật tự xây dựng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.