Cuộc cách mạng trong ngành hàng không với mục tiêu giảm khí thải
Mới đây, hãng hàng không SE Aeronautics vừa ra mắt ý tưởng máy bay thương mại khổng lồ với 6 cánh độc đáo, có thể cắt giảm 70% nhiên liệu, thậm chí loại máy bay này có thể giảm lượng khí thải CO2 trên mỗi ghế ngồi lên tới 80%.
Đây là mẫu máy bay thương mại cỡ lớn dài 42,7 m và rộng 35 m, bằng một chiếc Boeing 737-900. Tuy nhiên, nó được trang bị tới 264 ghế ngồi và có thể bay liên tục hơn 17.000 km, so với 188 ghế ngồi và phạm vi hoạt động tối đa hơn 3.400 km của Boeing 737-900.
Khả năng bay đường dài đáng kinh ngạc này là nhờ thiết kế cho phép phương tiện tiết kiệm tới 70% nhiên liệu. Nhiên liệu của SE200 được lưu trữ trong các khoang hàn kín ở phần đầu thân máy bay chứ không phải ở trong cánh như máy bay truyền thống. Lực đẩy của SE200 sẽ đến từ hai động cơ gắn ở phía sau.
Phương tiện của tương lai mang tên SE200 sẽ được chế tạo dưới dạng liền khối từ 100% vật liệu composite, cho phép nổi trên mặt nước. Điểm khác biệt dễ thấy nhất so với máy bay thông thường là nó có tới 6 chiếc cánh siêu dài, mỏng và được tinh giản từ đầu đến đuôi, kỹ sư trưởng Lloyd Weaver của SE mô tả.
Đặc biệt, việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc máy bay sẽ thân thiện hơn với môi trường. Trong một tuyên bố mới của hãng SE cho biết, máy bay 6 cánh của họ có thể giảm lượng khí thải CO2 trên mỗi ghế ngồi lên tới 80%.
Ngoài ra, máy bay SE200 còn được thiết kế để chống Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường không khí, thông qua hệ thống thông gió "cấp khí chỉ một lần". Điều này đảm bảo rằng không khí không bao giờ tuần hoàn trong cabin.
Giám đốc điều hành SE Aeronautics Tyler Mathews nhấn mạnh: "SE200 sẽ mang đến một giải pháp có thể cách mạng hóa ngành hàng không trong tương lai". Được biết, hãng hàng không khởi nghiệp của Mỹ đang xin cấp bằng sáng chế cho SE200 và chuẩn bị có kế hoạch phát triển một mô hình thậm chí còn lớn hơn, mang tên SE300, với khả năng chở hơn 550 hành khách.
Trước đó, theo phân tích của trang The Guardian (Anh), lượng CO2 bình quân đầu người trong mỗi chuyến bay nhiều hơn mức một người thải ra khi sinh hoạt thường ngày trong một năm. Đây là ngành sinh ra khoảng 2% lượng khí nhà kính trên toàn cầu và có tốc độ gây ô nhiễm tăng nhanh nhất trong các ngành công nghiệp hiện nay.
Trong bối cảnh đó, tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên Hợp Quốc đã nỗ lực hạn chế lượng khí thải bằng cách đưa ra kế hoạch “tín dụng carbon”. Theo đó, mỗi hãng hàng không chỉ được xả một mức khí thải nhất định. Nếu vượt mức này, họ sẽ phải trả tiền để mua thêm “quyền xả thải”. Những hãng nào có lượng khí thải thấp hơn mức cho phép có thể bán “quyền xả thải” còn dư cho các hãng khác có nhu cầu.
Thùy Linh (T/h)