Thứ tư, 24/04/2024 21:27 (GMT+7)
Thứ tư, 28/07/2021 13:44 (GMT+7)

Với 1 triệu tấn khí thải CO2, máy bay Boeing đang 'đầu độc' môi trường

Theo dõi KTMT trên

Mỗi máy bay của Công ty sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) dự kiến tạo ra lượng khí thải khoảng 866.000 tấn trong suốt vòng đời của nó. Con số này sẽ tăng lên 1 triệu tấn nếu bao gồm cả việc phát thải liên quan đến sản xuất nhiên liệu.

Theo báo cáo của Công ty sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) công bố mới đây, các máy bay phản lực thương mại do công ty này giao vào năm 2020 sẽ phát thải trung bình 1 triệu tấn khí CO2 mỗi chiếc, trong vòng đời hoạt động kéo dài khoảng 25 năm.

Báo cáo nêu rõ, có đến 157 máy bay thương mại được giao vào năm 2020 của họ sẽ "chịu trách nhiệm" về lượng khí thải tương đương với 158 triệu tấn CO2 (MtCO2e) trong cả vòng đời của chúng.

Con số trên bao gồm 136 triệu tấn CO2 phát thải trực tiếp từ hoạt động vận hành các máy bay này, bên cạnh 22 triệu tấn CO2 liên quan đến hoạt động sản xuất nhiên liệu máy bay của các công ty năng lượng cho những chiếc phi cơ đó.

Với 1 triệu tấn khí thải CO2, máy bay Boeing đang 'đầu độc' môi trường - Ảnh 1
Mỗi máy bay Boeing sẽ phát thải trung bình 1 triệu tấn khí CO2 trong cả vòng đời. (Ảnh: The Business Journals)

Công ty Boeing cũng cho biết thêm, mỗi máy bay dự kiến tạo ra lượng khí thải khoảng 866.000 tấn trong suốt vòng đời của nó. Con số này sẽ tăng lên 1 triệu tấn nếu bao gồm cả việc phát thải liên quan đến sản xuất nhiên liệu.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun cho biết, công ty cam kết giảm đáng kể tác động môi trường của mình trong mọi giai đoạn vòng đời của sản phẩm. Đồng thời nhấn mạnh rằng, máy bay phản lực của Boeing sẽ sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững 100% vào năm 2030.

Cách đây không lâu, nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu đã thực hiện các bước tương tự vào tháng 2/2021. Báo cáo tháng hai của Airbus cho biết họ đã giao 566 máy bay phản lực vào năm 2020, với tổng lượng khí thải cho vòng đời 22 năm ước tính vào khoảng 440 triệu tấn, bao gồm 80 triệu tấn cho sản xuất nhiên liệu. Theo đó, tổng lượng khí thải CO2 từ số máy bay do hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới giao trong năm 2020 vào khoảng 600 triệu tấn trong vòng đời của chúng.

Các chuyên gia cho rằng, con số này đã giảm do hoạt động giao hàng bị hạn chế trong đại dịch Covid-19. Cả Boeing và Airbus đều nói rằng ước tính của họ không bao gồm tác động của dự kiến gia tăng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, một yếu tố sẽ cắt giảm lượng khí phát thải hơn nữa.

Ngoài ta, các công ty hàng không vũ trụ trên toàn thế giới vẫn đang nỗ lực cải thiện công nghệ và thúc đẩy nhiên liệu thay thế để cắt giảm lượng khí thải hàng không vào năm 2050. Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động vì môi trường nhấn mạnh rằng, cần phải hạn chế hoạt động đi lại bằng đường không để những nỗ lực chống biến đổi khí hậu đạt có thể được kết quả mong muốn.

Trước đó, theo phân tích của trang The Guardian (Anh), lượng CO2 bình quân đầu người trong mỗi chuyến bay nhiều hơn mức một người thải ra khi sinh hoạt thường ngày trong một năm. Đây là ngành sinh ra khoảng 2% lượng khí nhà kính trên toàn cầu và có tốc độ gây ô nhiễm tăng nhanh nhất trong các ngành công nghiệp hiện nay.

Trong bối cảnh đó, tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên Hợp Quốc đã nỗ lực hạn chế lượng khí thải bằng cách đưa ra kế hoạch “tín dụng carbon”. Theo đó, mỗi hãng hàng không chỉ được xả một mức khí thải nhất định. Nếu vượt mức này, họ sẽ phải trả tiền để mua thêm “quyền xả thải”. Những hãng nào có lượng khí thải thấp hơn mức cho phép có thể bán “quyền xả thải” còn dư cho các hãng khác có nhu cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường lại tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch này. Bởi nhiều hãng hàng không của các nước phát triển có thể sẽ không ngại chi tiền để mua thêm "quyền xả thải" để mở rộng quy mô hoạt động của mình.

Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng kỷ lục vào 2023

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, lượng khí thải carbon trên toàn cầu sẽ tăng lên mức cao chưa từng thấy vào năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm sau đó.

Nguyên nhân là do thế giới hiện chỉ dành 2% quỹ hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào các dự án năng lượng sạch. Các nước đã phân bổ hơn 16.000 tỉ USD khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo theo dõi phục hồi bền vững của IEA cho thấy chỉ có 380 tỉ USD được dành để triển khai các dự án năng lượng sạch.

"Khoản đầu tư của thế giới vào năng lượng sạch hiện nay không những chưa đạt mức cần thiết để tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, mà còn không đủ để ngăn lượng khí thải toàn cầu tăng lên mức cao mới", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Với 1 triệu tấn khí thải CO2, máy bay Boeing đang 'đầu độc' môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới