Thứ hai, 14/10/2024 03:42 (GMT+7)
Thứ ba, 16/02/2021 12:38 (GMT+7)

Cùng 'sống xanh', đón Tết an lành

Theo dõi KTMT trên

Mỗi dịp Tết đến nhu cầu tìm kiếm thực phẩm sạch, đồ dùng an toàn sử dụng trong gia đình được nhiều người tiêu dùng đặt ra. Nhưng đến nay, yêu cầu “sống sạch” có lẽ là chưa đủ, mà còn hơn nữa là “sống xanh”. Vậy làm thế nào để “sống xanh”?

Hạn chế rác thải nhựa

Từ lâu nay, các đồ dùng làm từ nhựa vẫn được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt, đặc biệt là những vật dụng như túi nilon, chai lọ, hộp nhựa bởi tính tiện lợi, giá thành lại rẻ.

Sử dụng túi nilon cũng là một trong những thói quen của đa số người tiêu dùng tại Việt Nam, từ đựng những đồ tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá cho đến đồ ăn nóng như bánh, bún, xôi, giò. Trong ngày Tết, nhu cầu sử dụng túi nilon tăng gấp nhiều lần.

Tần suất mua sắm ngày Tết tăng cao dẫn đến việc nilon, bao bì nhựa khó phân hủy cũng được sử dụng nhiều hơn để đóng gói các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết hay đựng thịt thà, cá tôm… tại các chợ và siêu thị.

Chính vì thế, để giảm thiểu rác thải nhựa, bạn hãy mang theo túi vải hoặc lồng đi chợ khi đi mua sắm, và luôn chủ động nói không với các bao bì nhựa.

Bên cạnh đó, việc lưu trữ thực phẩm Tết cũng  trở thành một vấn đề nan giải vì các hộp nhựa luôn được ưu tiên hàng đầu bởi sự tiện dụng. Nhưng một phút thuận tiện của bản thân có thể góp phần "giết chết" Trái đất xanh.

Thay vào đó, bạn có thể sử dụng những loại hộp bằng thủy tinh để có thể đựng các loại thực phẩm tươi sống hay đồ khô ngày Tết một cách an toàn, mà lại còn gọn gàng, đẹp mắt.

Cùng 'sống xanh', đón Tết an lành - Ảnh 1
Bạn hãy mang theo túi vải hoặc lồng đi chợ khi đi mua sắm, và luôn chủ động nói không với các bao bì nhựa. (Ảnh: Internet)

Phân loại rác

Dịp Tết cũng là thời điểm có nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình thu dọn vệ sinh, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón năm mới. Do vậy, lượng rác thải tăng khoảng từ 30 đến 40% so với ngày thường. Vì vậy, vấn đề phân loại rác thải cũng đóng vai trò quan trọng, làm giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí thu gom và xử lý rác thải.

Mô hình phân loại rác bạn cần biết:

Rác hữu cơ: Là các loại rác thực phẩm sau khi bạn chế biến đồ ăn như rau, củ, quả… Các loại rác này vẫn có thể được chế biến thành phân hữu cơ, vì vậy bạn có thể phân loại riêng trước khi bỏ chúng vào thùng rác

Rác vô cơ: Là các loại rác như sành sứ, gạch, xỉ than, nilon, gỗ… Đây là những lọai rác không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế được mà chỉ có thể mang ra khu chôn lấp rác thải. Chính vì vậy, để chung tay bảo vệ môi trường bạn nên hạn chế sử dụng các loại rác này.

Rác tái chế: Là các loại rác như giấy, kim loại, vỏ hộp… Chúng sau khi được thu gom sẽ được vận chuyển đến các làng nghề để tái chế thành các loại sản phẩm mới. Vì vậy, khi dùng xong một chai nước mắm hay chai dầu ăn bạn đừng tiện tay vứt nó vào thùng rác, hãy gom lại để bán đồng nát vừa giúp có thêm thu nhập lại vừa bảo vệ môi trường.

Cùng 'sống xanh', đón Tết an lành - Ảnh 2
Phân loại không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm tài nguyên. (Ảnh: Internet)

Sử dụng đồ trang trí tái chế

Tái chế đồ cũ là một trong những cách để tiết kiệm, giảm thiểu rác thải ra môi trường, giúp cho không gian sống của con người "xanh" hơn.

Bạn có thể tận dụng những món đồ cũ, không còn sử dụng được hoặc không còn có nhu cầu dùng đến nữa vào việc trang trí nhà cửa. Điều này không chỉ giúp gia đình bạn tiết kiệm được đáng kể chi phí mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, giúp cho không gian sống trở nên xanh hơn.

Cùng 'sống xanh', đón Tết an lành - Ảnh 3
Đàn ghita cũ hỏng hoàn toàn có thể được tận dụng làm thành một loại chậu độc đáo để trồng các loại cây dây leo ngoài ban công, cửa sổ... (Ảnh: Internet)

Không đốt nhiều vàng mã

Từ lâu, nhiều người dân Việt Nam có tục đốt vàng mã để thể hiện sự giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên. Mỗi dịp Tết đến xuân về nhiều người dân lại đặt vài tập tiền vàng mã lên bàn thờ và lễ xong thì "hóa" để tưởng nhớ tri ân gia tiên, những người đã khuất.

Tuy nhiên, hiện nay, tập tục này đang có chiều hướng bị lạm dụng quá đà, gây phản cảm, sai lệch bản chất, giá trị. Chạy theo quan niệm "trần sao âm vậy" và tâm lý đám đông, không ít người đã bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng chục triệu đồng để "gửi đồ" cho người đã khuất bằng cách đốt cả đồ mã là nhà lầu, xe hơi, ti-vi, tủ lạnh, ipad, iphone, thậm chí là cả người giúp việc… nhằm cầu xin bình an, tài lộc. Thế nhưng sự thái quá này không chỉ trở thành hành vi mê tín dị đoan mà còn gây lãng phí, tốn kém, nguy cơ mất an toàn do cháy nổ và nhất là ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, để tục lệ đốt vàng mã không còn trở thành nỗi lo canh cánh trong lòng chúng ta, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức của mình, cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã. Hãy để những tục lệ tâm linh lâu đời của chúng ta thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Mong rằng, trong những ngày năm hết, Tết đến, tất cả mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Cùng 'sống xanh', đón Tết an lành - Ảnh 4
Đốt vàng mã không chỉ gây lãng phí, tốn kém, nguy cơ mất an toàn do cháy nổ mà còn ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Internet)

Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia trích dẫn số liệu từ các chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Cứ mỗi năm thế giới sản xuất ra hơn 400 triệu tấn nhựa, trong đó đa số là túi nilon với khoảng 1.000 - 5.000 tỉ túi được tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu. Ước tính tới năm 2050 sẽ có khoảng 12 tỉ tấn rác thải nhựa tại các bãi rác lẫn môi trường tự nhiên.

Những con số này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc lạm dụng túi nilon, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và cuộc sống của con người.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Cùng 'sống xanh', đón Tết an lành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản
Bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong đó tập trung vào các vấn đề: Bảo vệ hệ sinh thái biển, tạo thêm sinh kế nâng cao mức sống của ngư dân, hỗ trợ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.

Tin mới