Công nghệ màn bong bóng giúp ngăn chặn tác động của bão lớn
Công ty OceanTherm đang nghiên cứu công nghệ màn bong bóng để làm giảm nhiệt độ mặt nước, cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng cho các cơn bão. Từ đó, có thể làm giảm đáng kể cường độ và thiệt hại của bão gây ra.
Bão nhiệt đới được hình thành khi khối không khí nóng và lạnh va chạm trên mặt nước ấm của đại dương. Các cơn bão lấy năng lượng từ bề mặt đại dương, trong điều kiện nhiệt độ nước bề mặt trên 26,5 độ C.
Do đó, làm mát nước trên bề mặt sẽ làm mất đi nguồn năng lượng của các cơn bão, có khả năng ngăn chặn chúng trước khi đổ bộ vào đất liền, hoặc ít nhất là ngăn chúng phát triển thành các cơn bão mạnh hơn.
Những hình ảnh về thiệt hại do bão Katrina gây ra đã khiến Olav Hollingsaeter, Giám đốc điều hành OceanTherm nảy ra ý tưởng trong việc tìm ra giải pháp mới.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ nước biển ở bề mặt rất ấm góp phần cung cấp năng lượng biến Katrina thành bão lớn. Họ lo ngại những cơn bão sẽ ngày càng mạnh và xuất hiện thường xuyên hơn do nhiệt độ nước biển không ngừng tăng lên mỗi năm.
Theo đó, nhiệt độ mặt biển từ 27 độ C trở lên sẽ tạo điều kiện cho hệ thống bão nhiệt đới phát triển và tăng cường. Tuy nhiên, OceanTherm cho rằng công nghệ màn bong bóng có thể hạ thấp nhiệt độ nước biển.
Kế hoạch của họ là lắp đặt những đường ống đục lỗ giải phóng bong bóng hạ nhiệt cho nước biển ở bề mặt, bằng cách cung cấp các bong bóng khí nén xuống sâu.
Khi bong bóng nổi lên, chúng mang theo nước biển sâu lạnh lên bề mặt, và nước lạnh này làm mát bề mặt đại dương ấm áp, chặn đứng nguồn cung cấp năng lượng mà cơn bão cần để mạnh lên.
Mục tiêu của họ là tạo một hệ thống đủ lớn để trải rộng khắp vịnh Mexico hoặc thậm chí Đại Tây Dương. Dự án đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, và những mô phỏng gần đây đã thành công.
Ở độ sâu 100 m, họ phát hiện nước biển đủ lạnh để làm giảm nhiệt độ bề mặt xuống dưới 27 độ C. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiến hành thử nghiệm trên đất liền và dưới đáy biển.
Theo Hollingsaeter, thử nghiệm dưới đáy biển tiêu tốn 14,5 triệu USD. Con số trên khá lớn nhưng vẫn thua xa thiệt hại do bão. Tổng kinh phí của tất cả kiểm tra thực địa là 17,3 triệu USD, trong khi thiệt hại do những cơn bão như Maria, Irma và Harvey gây ra trong năm 2017 lên đến 283 tỉ USD, theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học đề xuất ý tưởng ngăn bão. Tiến sĩ Tracy Fanara thuộc khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Floria) lo ngại về những tác động tiềm ẩn đối với tảo ở vùng vịnh do hiệu ứng dây chuyền.
Theo Fanara, mùa bão đem tới một số lợi ích như mang mưa tới các khu vực và tái bổ sung nguồn nước ngầm khô cạn. Vì vậy, Fanara nhấn mạnh các nhà nghiên cứu có thể học hỏi thêm từ những dự án thử nghiệm như dự án của OceanTherm.
Có thể thấy, làm mát mặt biển bằng cách khai thác nước lạnh hơn từ sâu hơn trong cột nước có thể làm giảm đáng kể cường độ và thiệt hại của bão gây ra. Trước đó, Na Uy đã sử dụng công nghệ màn bong bóng trong nhiều thập kỉ để giữ cho các vịnh hẹp không bị đóng băng, kể từ khi mùa đông Na Uy chứng kiến bề mặt đại dương giảm xuống dưới nhiệt độ đóng băng.
Thùy Linh (T/h)