Thứ năm, 25/04/2024 20:46 (GMT+7)
Thứ hai, 31/10/2022 06:55 (GMT+7)

Công bố chiến lược chống ô nhiễm đại dương, góp phần loại bỏ rác thải biển

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì thế, loại bỏ rác thải nhựa trên biển là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Giảm ít nhất 100.000 tấn chất thải trên biển

Bộ Môi trường Panama vừa công bố một chiến lược chống ô nhiễm tại các đại dương bằng việc loại bỏ rác thải biển.

Theo Bộ trưởng Môi trường Panama Milciades Concepción, nước này đang phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) triển khai dự án nói trên với mục tiêu giảm ít nhất 100.000 tấn chất thải.

Theo đó, sáng kiến nói trên bao gồm các nghiên cứu về hiện trạng rác thải trên biển và nhiều đề xuất khác nhau liên quan đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý hợp lý chất thải biển ở Panama, quốc gia có 52 lưu vực thủy văn, trong đó 18 lưu vực ở sườn Đại Tây Dương và 34 lưu vực ở Thái Bình Dương.

Dữ liệu của UNEP chỉ ra rằng, các đại dương đã trở thành nơi chứa chất thải khổng lồ. 80% rác thải biển có nguồn gốc từ đất liền, chủ yếu là nhựa gắn với bao bì thực phẩm và đồ uống.

Panama cũng đã triển khai Kế hoạch hành động về rác thải biển 2022-2027 nhằm giảm thiểu và loại bỏ các nguồn phát sinh chất thải đe dọa đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái của các bờ biển và vùng biển của quốc gia này.

Công bố chiến lược chống ô nhiễm đại dương, góp phần loại bỏ rác thải biển - Ảnh 1
Chiến lược chống ô nhiễm tại các đại dương bằng việc loại bỏ rác thải biển với mục tiêu giảm ít nhất 100.000 tấn chất thải.

Trước đó, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc cũng khẳng định, đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa và rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường từ các nguồn rác thải, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và kinh tế thiếu bền vững.

“Như vậy, với khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển mỗi ngày. Dự báo cho thấy nếu không có gì thay đổi, sẽ có nhiều nhựa hơn cá tại các đại dương vào năm 2050,” bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Lượng rác thải ngày càng gia tăng theo thời gian 

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), lượng rác biển và rác thải nhựa đang gia tăng nhanh chóng. Nếu không có hành động có ý nghĩa, lượng phát thải nhựa vào các hệ sinh thái dưới nước dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp 3 lần vào năm 2040.

Dữ liệu gần đây nhất của UNEP cũng cho thấy, lượng nhựa trong đại dương vào khoảng 75-199 triệu tấn.

Sự gia tăng dân số, những thay đổi trong cách tiêu dùng và các kiểu hành vi khác và khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn dẫn đến việc phát sinh chất thải cao hơn, trong khi nguồn lực và năng lực kỹ thuật để quản lý chất thải hợp lý còn hạn chế ở một số quốc gia quyết định rằng họ có nhu cầu chi tiêu công cấp bách hơn. Các chuyên gia cảnh báo, tất cả những thách thức ô nhiễm này đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ kiến ​​thức quốc gia và khu vực giữa nhiều bên liên quan.

Theo thống kê của tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường (SPREP), mỗi năm nhân loại sử dụng 5 triệu tỷ tấn túi nilon. Riêng ở Mỹ, khối lượng túi nilon được sản xuất và sử dụng là 100 tỷ tấn. Những chiếc túi tưởng như quen thuộc và vô hại, thường được làm từ polyethylene, cần phải có nhiên liệu hóa thạch để sản xuất. 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất.

Ước tính có khoảng 300 triệu túi nhựa mỗi năm trôi dạt trên vùng biển Đại Tây Dương, trong số hàng triệu tấn nhựa được sản xuất gây ô nhiễm đại dương trên toàn cầu mỗi năm. Ở rãnh Mariana - nơi sâu nhất dưới đáy đại dương (độ sâu khoảng 10.975m), túi nilon cũng đã được tìm thấy. 

Trong đó, 80% lượng túi nilon và các loại rác thải nhựa trôi nổi trên biển có nguồn gốc từ đất liền, không phải từ tàu biển. Rác thải nhựa đại dương, bản chất chính là rác thải nhựa của đất liền. Các loại chất thải nhựa khác nhau, bao gồm túi nilon, hộp đựng thực phẩm và bao bì, chiếm khoảng 31,7% tổng lượng chất thải rắn đô thị. 14,1% lượng rác thải nhựa đại dương là túi nilon- nhiều nhất trong số lượng rác nhựa trôi nổi hàng năm trên biển. 

Là một quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, môi trường đại dương đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đối mặt với tốc độ đáng báo động về suy thoái môi trường và cạn kiệt nguồn nước.

Theo World Bank, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam.

Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 3,7 triệu tấn chất thải nhựa (trong đó chỉ 10 đến 15% trong số đó, cuối cùng được thu gom để tái chế); khoảng 730.000 tấn chất thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra đại dương.

Trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản chính sách về bảo vệ môi trường.

Một trong hững hành động thiết thực, điển hình là thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.

Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Trước hết, cần thống nhất trong nhận thức và hành động nhằm ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần tiếp tục xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và hải đảo; thúc đẩy các hoạt động hợp tác các tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về tài nguyên và môi trường, trong đó có rác thải nhựa đại dương...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Công bố chiến lược chống ô nhiễm đại dương, góp phần loại bỏ rác thải biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.