Thứ hai, 25/11/2024 03:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/01/2022 10:26 (GMT+7)

Con tem bướm trong tòa lâu đài

Theo dõi KTMT trên

Tòa lâu đài dây leo um tùm cũng thoắt biến thành ngôi nhà năm tầng đồ sộ. Đôi lúc tôi vẫn tự hỏi không biết lúc đập tòa lâu đài ấy đi để xây lại, các công nhân xây dựng có nhìn thấy một con tem hình bướm rơi đâu đó trong đống gạch vỡ khổng lồ ấy không?

Năm học lớp 4, lớp chúng tôi có thêm vài học sinh mới chuyển vào. Trong đó có Nga, nhà ở phố 325. Chúng tôi nhanh chóng thân với nhau. Nga dáng người bé nhỏ nên luôn được (bị) ngồi bàn đầu. Khuôn mặt cô tròn, tóc cắt vuông. Nhà tôi ở đường Đại Cồ Việt, ngày ngày đi học thường qua phố 325 rủ Nga đi cùng. Quãng thời gian chúng tôi chơi với nhau không lâu, nên tôi hoàn toàn không còn nhớ nhiều về người bạn này. Nhưng có hai điều tôi không thể quên được là ngôi nhà của cha con cô và câu chuyện có liên quan đến những người ruột thịt của cô ấy, cũng là dấu chấm hết cho tình bạn của chúng tôi.

Con tem bướm trong tòa lâu đài - Ảnh 1

Cho đến tận năm 9 tuổi thì tôi chưa được nhìn thấy ngôi nhà nào to và đẹp như nhà của Nga. Ngôi nhà ấy nằm khuất sau cánh cổng um tùm hoa giấy leo, vì thế đông cũng như hạ, nó luôn mang một vẻ u tối khó tả. Bên mé phải của khoảnh sân trước lát gạch đỏ là một gian nhỏ xíu, có giường và lộn xộn đồ đạc. Nhà chính xây ba tầng, đi hết phòng khách thì đến sân giữa, cũng um tùm dây leo trên những bức tường rêu phủ. Đằng sau sân giữa còn một nhà tầng nữa với cầu thang tắt dẫn sang khu bên kia. Đấy chính là điểm thú vị nhất của ngôi nhà. Chiếc cầu thang này không thông dụng, vì nó chỉ dành cho những việc đột xuất không thể vòng ngang phòng khách mà bắt cầu thang chính diện để đi lên dãy phòng nằm ở mé trái. Dẫu sao một tòa nhà khổng lồ chỉ dành cho bốn nhân khẩu cũng không cần nỗi gì đột xuất để phải sử dụng cùng lúc đến mấy cái cầu thang. Chưa kể khu nhà trong chẳng mấy khi được lai vãng tới. Nga cũng không dẫn tôi vào khu trong bao giờ, trừ vài lần duy nhất chúng tôi bày trò chơi trốn tìm. 

Con tem bướm trong tòa lâu đài - Ảnh 2

Quanh năm chiếc cầu thang ấy bỏ không. Nó nhỏ hẹp chỉ một người lớn kềnh càng đi lọt và phần chiếu nghỉ chạy dài gần như một dãy hành lang. Cầu thang không cửa sổ, không mắc đèn nên lúc nào cũng tối tăm như sương mù. Mùi của nó ẩm thấp và âm u và huyền bí. Lần đầu tiên mở cánh cửa gỗ có bản lề han gỉ, tôi không biết cái thứ hun hút này sẽ dẫn mình đi đâu. Không ngờ sau hai lần rẽ ngoắt ngoéo thì tôi đã có mặt ở mé nhà đầy ánh sáng phía bên kia. Tôi không biết người ta tạo nên kiến trúc ấy là nhằm mục đích gì. Tôi kể lại chuyện đó với mẹ, bà nói rằng đấy là một tòa nhà cổ, gia đình ông cố của Nga trước kia hẳn rất có thế lực nên mới để lại khoản thừa kế khổng lồ như vậy cho cha con cô ấy. Rồi bà phỏng đoán thêm vài điều nữa mà tôi không hiểu. Tôi chỉ biết rằng đó là một tòa nhà cổ.

Tòa nhà cổ với rất nhiều sân, dây leo, phòng ốc, cửa sổ to như cửa vào trông ra nắng ban mai và có hẳn một cầu thang bí mật ở sân trong. Đây đích thị là một tòa lâu đài. Tôi vô cùng thú vị với ý nghĩ ấy. Tôi mê tít ngôi nhà của Nga. Không chủ nhật nào tôi không sang thăm nhà cô ấy. Mùa hè đến, ngôi nhà đầy dây leo âm u phố 325 trở thành thiên đường của tôi. Ngày nào cũng vậy, sau bữa sáng vội vàng, tôi lại đi bộ sang phố 325, cứ như thể ngôi nhà sắp bốc hơi đi mất.

Thường chúng tôi chỉ ngồi phòng khách xem phim “Thằng nhóc Emil”, “Maica, cô bé từ trên trời rơi xuống” hay “Cậu bé biết bay”. Xem chán thì ra trước cửa nhà chơi nhảy dây. Nga có một người anh lớn và cô em gái nữa mà chúng tôi thường gọi là “cái Út”. Tôi chơi dây với Nga và cái Út, còn anh cô đã học cấp hai, rõ ràng là không thèm chơi với mấy đứa con gái trẻ nít. Tuy nhiên, tôi rất hay gợi ý trò trốn tìm để có cơ hội thám hiểm dãy nhà trong mà tôi cho rằng không chừng còn vô khối cầu thang bí mật nữa. Nga cũng đồng ý nhưng thường chỉ cho phép trốn tìm ở khu vực ngoài thôi, vì cầu thang tắt trong kia “bẩn lắm, lại còn đầy mạng nhện và nấm mốc”. 

Con tem bướm trong tòa lâu đài - Ảnh 3

Ba anh em Nga sống với cha, tôi chẳng gặp mẹ cô ấy bao giờ, trừ một lần duy nhất, tôi nhìn thấy một phụ nữ ngồi trong gian nhà mé tay mặt ở sân trước. Bà có mái tóc ngắn uốn quăn, khuôn mặt giống anh trai Nga. Bà gọi Nga vào và bảo cô mặc thử một chiếc váy đỏ do bà tự may. Bà không tươi cười, không nói câu gì với tôi, chỉ lặng lẽ mặc váy mới cho Nga, nói cô quay trước quay sau xem có vừa không rồi bảo ra ngoài mà chơi tiếp với bạn.

Một buổi trưa hè, tôi sang nhà Nga đúng lúc cô vẫn chưa ăn cơm xong. Cha cô ngồi cùng ba anh em. Vì đã là một khách quen rất thân thiết nên tôi tự bật vô tuyến lên trong lúc chờ đợi. Cha cô có vẻ đang rất cáu giận, ông nói với cả ba người con đang cúi gằm mặt xuống.

- “Nó” chỉ biết đến cái thằng ấy thôi. Chúng mày mà ở đấy rồi cũng bị “nó” cho chết đói.

Tôi kinh ngạc. Khuôn mặt ông cay nghiệt và độc địa khác hẳn ngày thường. Khác hẳn lúc ông gọi riêng tôi vào phòng, lục lọi trong tủ hồi lâu rồi chìa ra hai chiếc hộp tròn bằng sắt không rỉ, một chiếc có đường kính to bằng cái bát ô tô, chiếc kia chỉ bằng bát ăn cơm.

- Cháu thích cái nào?

Dĩ nhiên tôi chỉ vào chiếc hộp to bằng bát ô tô.

- Bác tặng cháu. – Ông đưa cho tôi chiếc hộp bằng ánh mắt trìu mến và giọng nói ấm áp.

Ông biết hôm ấy là ngày sinh nhật tôi. Chắc Nga đã nói như thế. Khỏi phải nói tôi mừng rỡ đến mức nào. Tôi ôm chiếc hộp trong lòng. Tôi chưa bao giờ được sở hữu chiếc hộp đẹp như thế. Nó màu vàng nhạt, nắp đóng mở rất nhẹ nhưng khít, tôi nghĩ ngay đến mớ khung thêu và những con chỉ màu vẫn để trong rổ tre sẽ được xếp gọn ghẽ vào chiếc hộp dễ thương này. 

- Ba ấy tặng tớ chiếc hộp. – Tôi giơ lên khoe với Nga.

- Ừ. – Nga gật đầu như thể đã biết rồi.

Mẹ tôi cũng thích chiếc hộp ấy. Bà nói đó là hộp để đựng phim. Tôi nhướn mắt ngạc nhiên. Cha tôi cũng chụp ảnh, nhưng ông đựng lõi phim vào những chiếc hộp sắt tây rỉ ngoét và xấu xí chứ đâu có hộp đẹp thế này. Mẹ tôi giải thích thêm, ba của Nga là một nhà quay phim, nên ông có nhiều hộp. Những chiếc hộp này là để đựng phim nhựa. Thì ra là thế. Bác ấy là một nhà quay phim. Nhưng nếu không thế thì tôi cũng thấy bác ấy có một phong thái rất điện ảnh, hao hao giống diễn viên Tất Bình, cũng khuôn mặt dài khắc khổ và vóc dáng cao gầy như vậy. Rồi ít lâu sau, con người hào phóng ấy cũng cho tôi nốt chiếc hộp bé bằng bát ăn cơm, rồi lại thêm mấy chiếc hộp nữa. Tôi tặng lại cho mẹ. Chúng tôi tha hồ đựng ảnh chụp, kim chỉ, thuốc men vào những chiếc hộp xinh xắn không bao giờ rỉ. Ba của Nga chẳng mấy khi có mặt ở nhà, có lẽ ông luôn phải theo đuổi  những bộ phim dài bất tận, nhưng mỗi lần gặp tôi, ông thường tỏ thái độ vui vẻ khác hẳn phụ huynh của những đứa bạn khác. Song lần này nghe ông nhắc đến “nó” với một vẻ cay nghiệt như thế, tôi không khỏi cảm thấy bứt rứt và khó chịu trong lòng. 

Có lần tự nhiên Nga nói với tôi “Ba mẹ tớ bỏ nhau rồi” bằng một giọng thản nhiên như lúc cô thông báo “Hôm nay là tập cuối của Thằng nhóc Emil”. Tôi cũng thản nhiên đón nhận thông tin ấy như mọi câu chuyện phiếm khác. Thậm chí tôi còn thấy thoải mái khi chúng tôi được một mình làm chủ cả không gian rộng lớn của ngôi nhà. Chẳng đứa trẻ nào được sở hữu một tòa lâu đài thế này, lại còn không bị cha mẹ kè kè bên cạnh cằn nhằn nhắc nhở việc làm bài tập, rồi thì ăn tối cho đúng giờ, rửa chân trước khi đi ngủ, khăn mặt vắt phẳng ra chứ con gái con lứa sao lại để rúm vào thế kia. Nga còn có thể sang nhà tôi bất kỳ lúc nào mà không cần phải xin phép, chỉ việc vòng tay qua song sắt bấm khóa cổng đánh tách là xong. Có lẽ nỗi khổ duy nhất của anh em Nga là cứ thỉnh thoảng cha họ lại lôi “nó” ra đay nghiến vào bữa cơm. Và mỗi lần như thế, cả cái Út là đứa chưa được cắp sách đi học cũng cúi gằm mặt xuống như đang bị cô giáo bắt chép phạt. Nhưng dù sao thì đâu có mấy khi ông ăn cơm cùng họ, mấy khi tôi gặp ông ở nhà.

Ngoài niềm vui sướng được tự do hầu như tuyệt đối, được sống trong một ngôi nhà tuyệt đẹp với phòng khách trải thảm, được sở hữu vô số váy áo xinh xắn và hộp đựng phim thì nhiều đến nỗi có đựng kim chỉ tới hết đời cũng không hết, anh em Nga còn rất nhiều thứ mà tôi không có, tỷ dụ như bộ sưu tập của anh trai Nga chẳng hạn. Bộ sưu tập tem của anh có vô khối chủng loại. Hơn chục con tem về cá, các loại cá đủ mọi hình thù, màu sắc kỳ ảo đang bơi trong rong rêu và san hô đỏ. Gần hai chục con tem máy bay, trong đó có cả loại máy bay từ thời sơ khai chỉ hai chỗ ngồi. Rồi tem hoa lan, tem cây cảnh, tem côn trùng, tem tàu thủy, tem các loài chim, tem phong cảnh, tem danh nhân, tem xe lửa… bộ nào cũng được sưu tập đầy đủ ngót nghét chục con. Nhưng tôi chỉ thích nhất bộ sưu tập tem hình bướm, vô cùng rực rỡ với vài chục loài bướm khác nhau, có con kẻ sọc, con thân loang đỏ đen, con chấm bi vàng trên cánh, con màu cam viền nâu. Tôi hoa mắt thấy những con bướm tách ra khỏi cuốn kẹp rồi dập dờn đậu cả trên những bụi dây leo kia. Tôi cũng có vài con tem cũ kỹ, nhưng chẳng con nào là bộ của con nào, mỗi con một chủng loại như dép nhựa hỏng lẻ chiếc trong quang gánh của bà đồng nát. Tôi kẹp tất cả vào một quyển vở chứ không có cuốn sổ gài tem đắt tiền như của anh trai Nga. Mỗi lần anh sưu tầm thêm được con tem mới nào thường lôi cả bộ ra cài vào, sắp xếp và nâng niu ngắm nghía. Tôi cũng nhân đấy mà sán vào xem ké.

Rồi một buổi sáng nọ tôi lại đến ngôi nhà quen thuộc. Vừa bước vào, Nga đã thông báo:

- Chiều hôm qua anh tớ mất một con tem bướm. Ấy lấy đi phải không?

- Kh…ông. – Tôi bất động ở cổ họng, khó khăn lắm mới nuốt nước bọt để thốt lên cái âm thanh từ chối ấy.

- Anh tớ bảo cả chiều qua anh để bộ tem trên ghế sa lông, mà chiều qua chỉ có ấy ở đây thôi.

Cô vẫn nói bằng giọng thản nhiên như khi thông báo một bộ phim hôm nay chỉ còn tập cuối, như khi bảo tôi rằng “Bố mẹ tớ bỏ nhau rồi”. Cô nói thế vì anh cô bảo thế, và cô có nhiệm vụ truyền lại thông tin đó cho tôi, xong nhiệm vụ chuyển tin rồi thì cô lại tiếp tục rủ tôi chơi dây như không có chuyện gì xảy ra. Cái việc mất tem và trộm tem là của tôi và anh trai cô chứ không liên quan gì đến cô ấy. Tôi nói yếu ớt:

- Tớ không biết. Tớ không lấy. Tớ lấy một con tem bướm để làm gì…

Nga không nói gì, chỉ lẳng lặng mắc dây thun vào cánh cổng sắt rồi giơ tay lên ra hiệu “uỳn” xem đứa nào bét. Bét thì phải đứng làm bàn1, chờ đến khi nào có người nhảy lỗi sẽ vào thế chân. Tôi giơ tay lên uỳn như một cái máy. Cái Út bị bét, phải đứng giữ dây. Nga vừa nhảy dây vừa cười nói vui vẻ. Còn tôi mắc lỗi liên tục, liên tục vào thế chân thay cái Út. Tôi là một trong những người nhảy dây xuất sắc nhất ở lớp, nhưng hôm nay đôi chân không tuân theo cái đầu u ám của tôi. Chừng được vài ván thì tôi cười gượng bảo hôm nay tớ mệt, tớ phải về nhà nghỉ, rồi quay gót đi như chạy trốn khỏi ngôi nhà có những bụi dây leo, mặc cho chị em Nga ngơ ngác đứng nhìn.

Con tem bướm trong tòa lâu đài - Ảnh 4

Tôi đi bộ qua ngõ tắt Vân Hồ và đường Bà Triệu, rồi vòng qua phố Đại Cồ Việt trong tâm trạng ủ rũ. Tôi muốn khóc nhưng sợ người đi đường nhìn thấy. Tôi đành một tay vờ dụi hạt bụi bay vào mi mắt, một tay vuốt cổ họng cho thứ gì đang kẹt cứng trong ấy trôi tuột xuống. Tôi chưa gặp cảm giác này trước đây bao giờ, đó là thứ cảm giác pha trộn của rất nhiều cảm giác khác nhau, tạo nên cái cục to tướng cứ dâng mãi lên từ ngực cho đến cổ.

Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với Nga. Suốt mùa hè còn lại, tôi không đến nhà cô ấy nữa. Năm học mới, chúng tôi buộc phải giáp mặt nhau. Mỗi lần tôi lên bảng đều bắt gặp khuôn mặt tươi tắn của Nga ở bàn đầu có ý cổ vũ tôi trả bài thật tốt. Thi thoảng cô ấy có bắt chuyện nhưng tôi giữ im lặng. Trước đây chúng tôi vẫn hay cãi nhau, mỗi lần bực tức cả hai thường giơ ngón tay út ra trước mặt2. Nhưng chỉ rất nhanh sau đó lại có một bên chìa ngón cái ra trước. Nhưng lần này, ngón cái vô hình của Nga cứ chìa ra mãi mà không có hồi đáp. Sự biến mất bí ẩn của con tem hình bướm đã khiến hai ngón tay chúng tôi vĩnh viễn khác xa nhau. 

Tôi đi học bằng lối Vân Hồ hoặc đường Bà Triệu, không rẽ vào phố 325 nữa. Thảng hoặc có việc cần đi qua, tôi lại lén ngước nhìn “tòa lâu đài” mà tôi đã từng mướt mồ hôi len lỏi trốn tìm trong những khúc tối cầu thang. Hết tiểu học tôi chuyển trường, sau đó gia đình Nga cũng chuyển đi một nơi khác. Phố 325 được đổi tên thành phố Thể Giao. Tòa lâu đài dây leo um tùm cũng thoắt biến thành một ngôi nhà năm tầng đồ sộ lát gạch men ngà và cửa ốp kính đen cho thuê để làm công ty. Đôi lúc tôi vẫn tự hỏi rằng không biết lúc đập cái tòa lâu đài ấy đi để xây lại, các công nhân xây dựng có nhìn thấy một con tem hình bướm rơi đâu đó trong đống gạch vỡ khổng lồ ấy không?

Chú thích:

1. Trò nhảy dây được chia theo bàn. Bàn 1 dây thun thấp bằng mắt cá chân. Bàn 2 đầu gối, bàn 3 lên đùi, cho đến cổ tay, khuỷu tay, nách rồi cổ. Độ khó của từng bàn phụ thuộc vào độ cao và độ hẹp của hai dây thun được mắc vào chân, tay của hai người đứng làm bàn. Nếu chỉ có hai người chơi thì một đầu dây sẽ được mắc vào cột điện hoặc thân cây, đầu kia cho một người giữ gọi là đứng làm bàn. Có hai kiểu nhảy dây phổ biến là “nhảy đôi chân” và “nhảy hoa hồng”.

2. Ngón tay út chìa ra trong khi tất cả những ngón còn lại của bàn tay cụp xuống là dấu hiệu “Hít le” – bỏ không chơi nữa. Ngược lại, ngón cái giơ lên là dấu hiệu làm lành, sẽ chơi trở lại.

Truyện ngắn của Di Li

Bạn đang đọc bài viết Con tem bướm trong tòa lâu đài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới