2021: Đại dương và những câu chuyện hành động
2021 trước nhiều mối đe dọa đến đại dương đòi hỏi thế giới cần hành động khẩn trương nhằm duy trì khả năng phục hồi. Đại dương 2021 có những tín hiệu đầy hy vọng khi nhiều quốc gia đồng lòng góp sức.
Hành tinh không chịu hạ nhiệt
Hành tinh nóng lên tiếp tục gây ra những tác động chưa từng có đối với hệ sinh thái đại dương. Sự gia tăng hiện tượng tảo biển nở hoa, có thể là do biến đổi khí hậu, đang góp phần làm giảm dân số của lợn biển ở Florida và các loài cá thương mại ở Biển Đỏ. Chim biển, một loài chỉ thị cho sức khỏe của đại dương đã chết hàng loat ở ngoài khơi bờ biển Anh và Scotland mà các chuyên gia ngờ rằng có liên quan đến việc giảm lượng con mồi khi nước ấm lên.
Nghiên cứu gần đây cũng làm dấy lên lo ngại khi dự đoán sự suy yếu trong tương lai của các dòng chảy ở Đại Tây Dương có thể gây ra tác động sâu rộng, khiến mực nước biển dâng cao ở Bắc Mỹ và thời tiết mùa đông khắc nghiệt hơn trên Đại Tây Dương.
Biển và đại dương có vai trò chủ đạo, quyết định đến môi trường sống của con người và hệ sinh thái. Chính vì vậy, mỗi quốc gia cần chủ động những cách phòng tránh tình trạng ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Nhiều quốc gia đã cam kết bảo tồn
Sự hiện diện của đại dương được cảm nhận mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm nay (COP 26), được tổ chức từ ngày 31/10 – 12/11 tại Glasgow, Scotland, thậm chí, COP đã dành riêng một ngày là “ngày đại dương”.
Tín hiệu vui là nhiều quốc gia đã cam kết bảo tồn, phục hồi và quản lý bền vững các hệ sinh thái biển ven bờ có lưu trữ “carbon xanh”, chẳng hạn như môi trường sống rừng ngập mặn, đồng cỏ biển và rạn san hô, như một phần trong những Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC).
Bên cạnh đó, một liên minh những người ủng hộ đại dương và các nguyên thủ quốc gia (được gọi là Blue Leaders – Nhà lãnh đạo xanh), cũng kêu gọi hành động ngay lập tức để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương. Có thể nói năm 2021 đánh dấu sự khởi đầu Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc nên sự tập trung gia tăng vào đại dương tại COP26 là đúng lúc.
Tỷ phú góp sức bảo vệ đại dương
Jeff Bezos cam kết tài trợ 1 tỷ đô la cho việc bảo tồn đại dương và đất liền trong thập kỷ tới như một phần của Quỹ Trái đất Bezos. Một số chương trình trong quỹ bao gồm các dự án hấp thụ carbon đại dương, chẳng hạn như phục hồi rừng ngập mặn và nuôi trồng rong biển.
Bên cạnh đó, dựa trên những cam kết trước đây về chống biến đổi khí hậu, giám đốc điều hành Salesforce Marc Benioff cũng công bố gói tài trợ 300 triệu đô la để thúc đẩy khôi phục hệ sinh thái và công bằng khí hậu, bao gồm các cơ hội bảo vệ vùng biển và ven biển. Giải thưởng Earthshot của Hoàng tử William được phát động trong năm nay cũng bao gồm một hạng mục dành riêng cho các nhà lãnh đạo đại dương sáng tạo. Đáng chú ý là nhiều dự án mà các quỹ này hỗ trợ có khả năng tiếp cận toàn cầu với sự tham gia của nhà lãnh đạo địa phương – điều không thể thiếu của tất cả các chương trình bảo tồn.
Kêu gọi tạm dừng khai thác đáy biển sâu
Tháng 6, đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương đưa thế giới tiến gần hơn một bước tới thời điểm bắt đầu khai thác dưới đáy biển sâu bằng cách đề xuất Cơ quan đáy biển quốc tế hoàn thành các quy định về khai thác đại dương vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, một nhóm toàn cầu gồm hơn 600 nhà khoa học hàng đầu về biển và các chuyên gia chính sách đã ra tuyên bố kêu gọi tạm dừng khai thác đáy biển sâu với lý do hoạt động này có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho môi trường biển.
Các thành viên của IUCN cũng đã bỏ phiếu cho lệnh cấm khai thác dưới biển sâu tại Hội nghị bảo tồn toàn cầu vào tháng 9/2021, bổ sung thêm lời kêu gọi từ nhiều tổ chức phi chính phủ và các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Fiji và Vanuatu. Một số doanh nghiệp bao gồm các nhà sản xuất xe điện lớn, những người tiêu thụ chính các khoáng sản từ khai thác ở biển sâu, cũng đã ủng hộ lệnh tạm hoãn.
Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích hành tinh. Nó là nguồn sống của chúng ta, hỗ trợ sự sống của nhân loại và của mọi sinh vật khác trên trái đất.
Đại dương sản xuất ít nhất 50% lượng oxy của hành tinh, nó là nơi có đa dạng sinh học trên trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỷ người trên thế giới. Chưa kể, đại dương là chìa khóa cho nền kinh tế với khoảng 40 triệu người đang làm việc trong các ngành công nghiệp dựa trên đại dương vào năm 2030.
Để bảo vệ và gìn giữ đại dương cũng như tất cả những gì nó duy trì được, chúng ta phải tạo ra một sự cân bằng mới, bắt nguồn từ sự nghiên cứu thực sự về đại dương và mối liên hệ giữa loài người với nó. 2021 với nhiều sự kiện bảo vệ đại dương.
Nguyễn Linh (T/h)