Thứ năm, 14/11/2024 08:53 (GMT+7)
Thứ ba, 29/10/2024 14:43 (GMT+7)

Nỗi lo tăng thêm gánh nặng với người nông dân khi áp 5% VAT phân bón

Theo dõi KTMT trên

Tạo Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón vì cho rằng người nông dân.

Sáng ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tại kỳ họp, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là mức thuế suất với mặt hàng phân bón. Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%.

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn giữ quan điểm như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như đối với người tiêu dùng và bảo đảm cơ sở pháp lý của việc thay đổi chính sách; cân nhắc để hài hòa về lợi ích, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.

Nỗi lo tăng thêm gánh nặng với người nông dân khi áp 5% VAT phân bón - Ảnh 1
Sáng ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thiệt thòi đối với người tiêu dùng

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận dự thảo Luật, ĐBQH Thạch Phước Bình, Tỉnh Ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, phân bón là một trong những yếu tố đầu vào thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là vô cùng cần thiết. Việc không áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón có thể mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và nền kinh tế nói chung.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, nông dân Việt Nam, đặc biệt là những người sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ biến động giá cả thị trường, thời tiết khắc nghiệt đến chi phí đầu vào ngày càng tăng. Phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân. Việc không áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp họ có điều kiện tái đầu tư vào sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.

Nỗi lo tăng thêm gánh nặng với người nông dân khi áp 5% VAT phân bón - Ảnh 2
ĐBQH Lê Thị Song An (đoàn Long An). (Ảnh: Như Ý)

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Lê Thị Song An (đoàn Long An), đây là loại thuế gián thu mà người cuối cùng phải chịu là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường, tạo ra tác động không hề nhỏ với ngành nông nghiệp và nông dân.

"Việc áp thuế với phân bón sẽ giúp tăng ngân sách khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân lại phải chịu mức phân bón tăng cao và khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.

Nếu áp dụng thuế suất 5% với phân bón, nhà nước và doanh nghiệp sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại chịu thiệt thòi nhất", ĐBQH Lê Thị Song An nhìn nhận.

Nỗi lo tăng thêm gánh nặng với người nông dân khi áp 5% VAT phân bón - Ảnh 3
ĐBQH Tạ Văn Hạ tranh luận. (Ảnh: Phạm Thắng)

ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thuế giá trị gia tăng đang đánh vào người tiêu dùng trong đại bộ phận người dùng phân bón, thực phẩm, nông sản. Vì vậy, đề xuất này cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng.

“Khi người nông dân mua phân bón không có hóa đơn, như vậy không được khấu hao đầu vào nên việc đánh 5% thuế với phân bón là người nông dân phải chịu”,  ĐBQH Tạ Văn Hạ nói.

Ông cũng đề xuất đưa mặt hàng phân bón với thuế suất 0%, từ đó, các doanh nghiệp phân bón được khấu trừ thuế đầu vào và người nông dân không phải chịu tăng.

"Người dân đã rất cực, được mùa lại mất giá. Nếu bây giờ đánh thuế 5% người dân phải chịu nữa, tôi nghĩ là rất tội cho người dân", ĐBQH Tạ Văn Hạ cho hay.

Giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào thuế tăng hay giảm

Trước nhiều ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước đây, thuế giá trị gia tăng với phân bón là 5%. Sau khi có nhiều ý kiến phản ánh, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015 đến nay quy định phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng.

Hiện nay, các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Phân bón, các đoàn đại biểu Quốc hội: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định... đề nghị sửa nội dung này. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV cũng đã đưa mục này vào rà soát.

Về giá phân bón, Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng cho rằng, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào thuế tăng hay giảm mà còn phụ thuộc vào giá thành sản xuất, thị trường, nhân công, năng suất lao động, hiện đại hóa, đặc biệt là cung cầu. Nếu cố định được tất cả các chi phí này thì mới đánh giá được thuế làm tăng hay giảm giá phân bón.

"Khi thực hiện không thu thuế giá trị gia tăng với phân bón, giai đoạn 2018-2022, giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71%-43,6%. Năm 2023, giá đạm ure lại tăng 6,29%-6,4% do chiến tranh Nga-Ukraina làm nhu cầu tăng lên nhưng nguồn cung lại ít. Như vậy, giá phân bón phụ thuộc cơ bản vào thị trường cung cầu.

Xét về lợi ích của doanh nghiệp, khi thu thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá nhưng chủ yếu là giá nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi, tăng khả năng cạnh tranh.

Theo tính toán, khi áp thuế như đề xuất, doanh nghiệp nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ nộp 200 tỷ đồng. Như vậy, lợi ích tốt cho doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giảm giá bán cho người nông dân"- Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng thông tin thêm.

Nỗi lo tăng thêm gánh nặng với người nông dân khi áp 5% VAT phân bón - Ảnh 4
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Ngọc phân tích, thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu do người tiêu dùng cuối cùng chịu.

Nếu phân bón được xếp vào danh mục hàng hóa chịu 5% thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào theo công thức sau: Số thuế VAT cần nộp = Số thuế VAT đầu ra - Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ.

Với việc được hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

“Như vậy, trong ngắn hạn thì giá bón phân bón có thể sẽ tăng lên và người nông dân sẽ chịu thiệt một chút do phải bỏ thêm tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, trong thời gian dài hơn, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón” – TS Nguyễn Trí Ngọc khẳng định. Đồng thời phân tích, những cơ sở thực tế người nông dân được hưởng lợi từ chính sách thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón:

Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi.

Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất sẽ làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.

Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo tăng thêm gánh nặng với người nông dân khi áp 5% VAT phân bón. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới

Dự báo giá xăng ngày mai có thể "quay đầu" giảm
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam cho thấy, tại kỳ điều hành sắp tới (14/11), giá xăng dầu có thể giảm 0,5 - 2% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.