Con người cần thấu hiểu để bảo vệ môi trường
Giáo lý Phật giáo có răn dạy con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học. Một lối sống giản dị giảm sức ép đối với môi trường sống sẽ tránh được sự “trả thù” của thiên nhiên.
Phật giáo Việt Nam đồng hành vì một Việt Nam Xanh
Ở phương diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Tăng Ni, Phật tử đều thống nhất quan điểm và thấu hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đây được coi như một nhân tố quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững. Với tinh thần tri ân, báo ân của giáo lý Phật giáo, mỗi người cam kết với chính mình hãy bảo vệ môi trường bền vững và đó cũng là sự bảo vệ chính mình, bảo vệ những thành quả mà mình tạo ra, đảm bảo sự an sinh xã hội.
Giáo hội Phật giáo việt Nam đã phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thiết thực vì môi trường.
Phát động phong trào trồng cây, gây rừng trong Tăng Ni, Phật tử và nhân dân: Trước thực trạng của vấn đề môi trường do nạn cháy, phá rừng, Giáo hội đã kêu gọi người dân trồng cây, gây rừng để trả lại màu xanh cho tự nhiên, góp phần bảo vệmôi trường, giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán… Do vậy, nhiều tấm gương điển hình, nhiều cấp Giáo hội đã tích cực đi đầu trong việc thực hiện trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Trước những thực trạng của vấn đề khủng hoảng môi trường do nạn cháy, phá rừng, Giáo hội đã kêu gọi “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”, thế giới trồng cây để đem lại màu xanh cho trái đất, góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán… Nhiều tấm gương điển hình, nhiều Tăng Ni ở Giáo hội địa phương đã tích cực đi đầu trong việc thực hiện trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, hệ thống tự viện của Tông phong Tịnh Độ Non Bồng ở nhiều địa phương đã tiếp nhận và ký kết giao ước tự trồng rừng, phủ xanh đồi trọc hoang vu với diện tích phủ khoảng hơn 1.000 ha tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai…
Có thể khẳng định, trồng cây, gây rừng và vận động quần chúng tín đồ không chặt cây, phá rừng là một trong những giải pháp hữu hiệu mà Phật giáo có thể góp phần thiết thực, hiệu quả trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chương trình này cũng đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp người dân nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Một số Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố có nhiều cách làm hay, mô hình tốt trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc tham gia bảo vệ môi trường, như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an TP.Hà Nội tổ chức thành công hội thảo về chủ đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân và quần chúng tín đồ, Phật tử về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM và Quỹ Đạo Phật Ngày Nay chùa Giác Ngộ đã tổ chức thành công triển lãm văn hóa về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Con người và thiên nhiên không thể tách rời
Giáo lý Phật giáo (từ duyên khởi, duy thức, tam độc, nhân quả, bát chính đạo đến ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng,…) luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; Biết tôn trọng, trân quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau.
Thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển tương quan với nhau. Do đó, con người không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên. Chẳng may một bên bị tiêu vong thì bên kia cũng không thể tồn tại. Điều đó đã trở thành quy luật chung.
Xuất phát từ quan niệm này của Phật giáo, mỗi người cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ sự sống của chính mình. Con người cần loại bỏ đi “tam độc” (tham, sân, si) khai thác vô độ, tàn phá thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng mình bởi một khi thiên nhiên bị suy thoái, bị hủy hoại thì con người cũng không thể tồn tại dài lâu.
Học thuyết Duy Thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng, tâm thức của con người có mối quan hệ chặt chẽ với thế giới vật lý như sông ngòi, núi rừng và đất đai. Chính vì vậy, sự ô nhiễm và suy thoái của môi trường sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của mọi dạng sống trên trái đất và dẫn tới sự khổ đau của con người. Nếu như con người vẫn cứ tiếp tục duy trì những tác động tiêu cực vào thiên nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt động vật làm mất cân bằng sinh thái, thải rác thải sinh hoạt và sản xuất lan tràn làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường đất thì con người sẽ sớm phải trả giá đắt cho việc làm của mình.
Lối sống “thiểu dục, tri túc” (ham muốn ít, hiểu thế nào là đủ) mà Phật giáo đề cao cũng có ý nghĩa răn dạy con người phải biết trân trọng những gì mình có, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, không ham hưởng thụ, tiêu dùng quá mức, tham gia bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, không được vì lòng tham mà làm tổn hại đến vạn vật và môi trường. Theo ý nghĩa này, nhà Phật quan niệm sống giản dị không có nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của đạo Phật là sự “an vui”, thay vì tham lam, “bận rộn”; là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung thay vì cạnh tranh giành giật cho quyền lợi riêng; là vượt qua chính mình để thể nhập cuộc sống thực tại, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên nhiên.
Quan niệm sống của nhà Phật rõ ràng đã giúp con người nhận thức sâu sắc và thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Một lối sống giản dị, tiết kiệm, giảm sức ép đối với môi trường sống, hài hòa giữa danh lợi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động, thực vật sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm; Tránh được tình trạng rừng bị tàn phá, tài nguyên bị suy kiệt, động vật bị săn bắn dẫn tới tuyệt chủng; nhờ đó tránh được sự “trả thù” của thiên nhiên, khí hậu như bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng,… đang đe dọa cuộc sống của chúng ta.
Xã hội càng hiện đại, nhu cầu của con người ngày càng gia tăng, do đó con người tác động vào thế giới tự nhiên ngày càng nhiều và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Nếu chúng ta không có những hành động thân thiện với môi trường, với tự nhiên thì không sớm thì muộn nhân loại sẽ nhận những hậu quả còn lớn gấp nhiều lần so với những gì nhân loại đang phải hứng chịu trong thời gian qua.
Nguyễn Linh (T/h)