Nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại các xã nông thôn mới
Các xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt hơn 68%, đáng chú ý tiêu chí về bảo vệ môi trường được các địa phương thực hiện từng bước có hiệu quả.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến hết năm 2021, cả nước có 5.615/8.233 xã (đạt tỉ lệ 68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5,8% so với năm 2020). Trong đó, có 503 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 40 đơn vị so với năm 2020); 14 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 3 tỉnh, thành phố đã có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành vượt các mục tiêu năm 2021 được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, câu chuyện bảo vệ môi trường nông thôn đang là vấn đề "nóng" được các địa phương tập trung xử lý trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ở giai đoạn 2021-2022. Số liệu cho thấy, Việt Nam có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm tới hơn 73% dân số cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40%; tỉ lệ tái chế khoảng 3,24%; còn lại phần lớn chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp vào môi trường.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng – Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT), trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống người dân. Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, môi trường khu vực nông thôn vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ ô nhiễm. Bảo vệ môi trường, giải được bài toán rác thải đang là vấn đề “đau đầu” các chính quyền địa phương trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tại nhiều địa phương, việc thu gom rác mới chỉ được thực hiện tại trung tâm các huyện, xã, thị trấn có đông dân cư. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, hộ dân tự đào hố chôn, đốt rác, thậm chí nhiều hộ xả trực tiếp rác thải sinh hoạt ra ngoài tự nhiên. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt hầu hết là túi nilon, chai nhựa, kim loại khó phân hủy.
Thực tế cho thấy, các bãi rác ở nông thôn chủ yếu là các bãi rác tạm với quy mô phổ biến từ 200-500m2, không được đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của bãi rác hợp vệ sinh, rác thải chủ yếu được đổ lộ thiên và luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các công trình xử lý chất thải quy mô nhỏ, mức thu phí của người dân chỉ đủ cho các hoạt động thu gom và chưa có kinh phí cho các hoạt động vận chuyển và xử lý rác thải.
Ngoài ra, do dân cư nông thôn phân bố theo từng thôn, xóm với quy mô từ 50-100 hộ, khối lượng nước thải phát sinh từ 10-40m3/ngày đêm rất khó khăn cho việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải hiện đại và quản lý công trình theo hướng chuyên nghiệp. Điều này khiến cảnh quan, môi trường nông thôn tại nhiều vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập.
Để tiếp tục đưa ra các nội dung trọng tâm để xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, Nghị quyết 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021- 2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 cả nước ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí...
Ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định: Mặc dù còn rất nhiều thách thức, nhưng trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước.
“Tiêu chí môi trường và chất lượng môi trường sống là những tiêu chí có nhiều chỉ tiêu nhất. Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được tính toán phù hợp và khả thi theo các cấp độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu đối với cấp xã và huyện”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Xuân Hòa