Coca-Cola Việt Nam đưa thương mại điện tử đến với làng nghề
Công ty Coca-Cola Việt Nam đã đưa thương mại điện tử đến với Làng nghề sơn mài Hạ Thái Thông qua dự án EKOART.
Vào ngày 15/01 vừa qua, tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam (Công ty Coca-Cola Việt Nam) đã phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã tổ chức lễ tổng kết "Dự án đào tạo kinh doanh thương mại điện tử cho làng nghề sơn màiHạ Thái năm 2024”. Đây là một trong những dự án tiêu biểu của EKOART Hà Nội – sáng kiến thuộc chương trình EKOCENTER, nhằm trao quyền cho phụ nữ trong thời đại kỹ thuật số, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và bảo tồn di sản văn hóa làng nghề truyền thống.
Buổi lễ tổng kết đã diễn ra trong không khí trang trọng và sôi nổi tại Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EKOCENTER Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Đảng Ủy, UBND, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ xã Duyên Thái, đại diện Công ty Coca - Cola Việt Nam, cùng các học viên đã tham gia các buổi đào tạo.
Khởi động từ tháng 10 năm 2024, dự án đã mở ra một chương mới cho làng nghề Hạ Thái, giúp các chị em Hội viên và các cơ sở sản xuất kinh doanh tại đây có những bước tiến về cả nhận thức và hành động về thương mại điện tử.
Ông Bùi Khánh Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển Bền vững, Công ty Coca-Cola Việt Nam, cho biết: “Qua 3 tháng triển khai với 351 lượt đào tạo, nhờ phương pháp đào tạo gắn liền với thực hành hỗ trợ cả online và offline, 89% chị em học viên đã hiểu các khái niệm cơ bản về thương mại điện tử, hơn 60% đã xác định được các lợi ích chính của thương mại điện tử, 60% và 67% học viên đã sử dụng ChatGPT và các phần mềm chỉnh sửa ảnh và video như CapCut để phục vụ cho công việc kinh doanh online của mình. Trong năm 2025, Công ty Coca-Cola Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội Phụ nữ xã Duyên Thái để mang đến những chủ đề đào tạo kết hợp thực hành về thương mại điện tử và các chủ đề liên quan nhằm hỗ trợ thiết thực cho đời sống kinh tế của các chị em và lưu giữ nghề truyền thống sơn mài tại đây.”
Một trong những yếu tố làm nên thành công của dự án chính là cách tiếp cận toàn diện, không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn tạo điều kiện cho các học viên thực hành thực tế. Dự án đã tổ chức các buổi kiến tập thực hành, nơi các học viên được hướng dẫn trực tiếp bởi các chuyên gia và KOLs (những người có sức ảnh hưởng) trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các buổi học không chỉ dừng lại ở việc truyền tải kiến thức, mà còn tạo cơ hội để học viên áp dụng kỹ năng ngay lập tức, như cách thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm, xây dựng nội dung thu hút và tương tác với khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội.
Những buổi thực hành này đã giúp các học viên vượt qua rào cản ban đầu, tự tin hơn trong việc ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh. Việc được hướng dẫn cụ thể và nhận phản hồi từ chuyên gia đã thúc đẩy họ nhanh chóng làm chủ các công cụ số, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, đồng thời xây dựng nền tảng để phát triển trong môi trường số.
Câu chuyện của bà Vũ Thị Lệ Hà, 54 tuổi, chủ cơ sở sơn mài Nghệ nhân Vũ Huy Mến, là một minh chứng điển hình. Bà chia sẻ: “Cơ sở sơn mài của gia đình tôi được nhiều người biết đến nhờ danh tiếng của cha tôi là Nghệ nhân Vũ Huy Mến, nhưng tôi nhận thức được tầm quan trọng ngày càng lớn của thương mại điện tử để tạo cơ hội để tương tác tốt hơn với khách hàng thông qua nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm showroom, Zalo, Facebook và Shopee. Tôi đã chủ động tham gia các buổi đào tạo của dự án và tích cực áp dụng những kiến thức đã học để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tôi đã thực hành thiết lập thành công một cửa hàng trực tuyến trên Shopee. Dù khá bận rộn, tôi vẫn dành thời gian để sử dụng các kỹ thuật chụp ảnh và phần mềm, đồng thời tận dụng ứng dụng ChatGPT để nghiên cứu và soạn thảo các mô tả sản phẩm phù hợp với khách hàng mục tiêu. Nhờ đó, tôi đã cải thiện khả năng giao tiếp với khách hàng và thành công nhận được hai đơn hàng lớn qua Zalo và Facebook cá nhân.”
Những kết quả này không chỉ góp phần cải thiện đời sống kinh tế mà còn là bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghề sơn mài truyền thống trong kỷ nguyên số. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Duyên Thái, chia sẻ tại buổi lễ Bế mạc: “Dự án đào tạo thương mại điện tử cho sản phẩm sơn mài truyền thống mà Coca-Cola Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã rất có ý nghĩa với Duyên Thái. Chúng tôi hy vọng phụ nữ và các cơ sở sơn mài ở Duyên Thái sẽ áp dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường, thu hút đơn hàng trong và ngoài nước, qua đó phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Trao quyền cho phụ nữ thông qua việc nâng cao kiến thức và kỹ năng là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh các chương trình đào tạo trong năm 2024 vừa qua, trong năm 2025, dự án nên xem xét cung cấp thêm các khóa đào tạo chuyên sâu hơn về thương mại điện tử, quản lý kinh doanh, kỹ năng giao tiếp và đàm phán, cũng như phát triển kỹ năng hướng dẫn viên du lịch cho các làng nghề truyền thống.”
Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EKOCENTER là một trong những sáng kiến của Coca-Cola trong việc tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng được thành lập từ năm 2015. EKOART Hà Nội là một trong những trung tâm điển hình của EKOCENTER, tập trung vào các chương trình hỗ trợ cộng đồng, trao quyền cho phụ nữ, và tiên phong trong việc phát huy vai trò của thương mại điện tử trong bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Dự án đặt nền móng cho các sáng kiến tương lai, không chỉ dừng lại ở xã Duyên Thái mà còn có tiềm năng mở rộng đến các làng nghề khác trên cả nước. Với sự cam kết của Công ty Coca-Cola Việt Nam, EKOCENTER tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng, lan tỏa những giá trị bền vững và truyền cảm hứng đổi mới trong kỷ nguyên số.
PV