‘Cò đất' tung chiêu khiến giá đất tăng phi mã
Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bất động sản tại nhiều địa phương tăng theo chiều thẳng đứng, người mua kẻ bán tấp nập. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định “cơn sốt đất” này chỉ là chiêu trò của giới “cò đất”.
“Cò đất” đẩy giá tạo “cơn sốt ảo”
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, một số diễn đàn cập nhật liên tục giá đất tăng cao tại những điểm nóng như huyện Đan Phượng, Hoà Lạc (TP.Hà Nội), huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng), huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), huyện Hớn Quảng (tỉnh Bình Phước)... Các lô đất được giới thiệu chào bán rầm rộ, người xem tương tác sôi nổi. Sau khi trao đổi thông tin qua mạng xã hội, những cuộc “du Xuân” thực tế các lô đất đã diễn ra.
Tại địa phận huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội), vùng ven khu công nghệ cao Hòa Lạc, không khí mua bán không kém phần sôi nổi. Theo thông tin từ các môi giới, đất nền phân khúc rẻ nhất cũng trên 10 triệu đồng/m2 còn cao thì khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2. Mảnh đất càng bé thì giá lại càng cao, mảnh đất trên 500 m2 sẽ có giá thấp hơn một chút, khoảng 8 triệu đồng/m2.
Tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), các lô đất có giá từ 40 - 44 triệu đồng/m2 đã tăng lên mức 55 triệu đồng/m2, đất thổ cư sát ngay các khu đô thị thuộc Tân Hội giá cũng tăng từ 40 - 42 triệu đồng/m2 lên mức 47 - 48 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ to, ô tô tránh nhau, giá cũng tăng từ 18 - 22 triệu đồng/m2 lên mức 20 - 25 triệu đồng/m2.
Thông tin quy hoạch khu đô thị lớn đã làm đất mặt đường 422 Tân Lập (huyện Đan Phượng) tăng từ 48 triệu đồng/m2 lên mức 53 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm 2020. Đất xã Tân Lập trong các ngõ to thuộc Hạnh Đàn, Bình Minh, giá bán cũng tăng từ 18 - 21 triệu đồng/m2 lên mức 20 - 24 triệu đồng/m2...
Kèm theo đó, các môi giới cũng nhận định giá đất sẽ còn tăng nhanh, tăng mạnh ở một số khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, chính các môi giới cũng thừa nhận giá đất tăng chủ yếu do các nhà đầu tư đồn thổi nhau, môi giới đồn thổi những thông tin ảnh hưởng tới giá đất, chứ giá trị thật của miếng đất không có sự biến chuyển. Chỉ trong vòng một năm, có miếng đất đã tăng giá lên gấp đôi.
Mới đây, giá đất tại TP.Đà Nẵng cũng “tăng chóng mặt” do có tin đồn trong tháng 3/2021, UBND TP.Đà Nẵng sẽ công bố bảng giá đất mới và sẽ được điều chỉnh tăng so với năm 2020. Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND TP.Đà Nẵng đã bác bỏ thông tin này. Theo UBND TP.Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Tình trạng tương tự diễn ra ở tỉnh Bình Phước. Chỉ chỉ sau ít ngày phao tin đồn có quy hoạch sân bay lưỡng dụng ở ở xã An Khương, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) giá đất nông nghiệp đã tăng từ 30-40%.
UBND huyện Hớn Quản cũng đã có văn bản cảnh báo, đây chỉ là các chiêu trò lừa đảo của giới "cò đất". Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi cho người mua đất, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại các khu dân cư, cụm dân cư nông thôn và các thửa đất nông nghiệp.
Đồng thời, UBND huyện này đề nghị người dân nên liên hệ các cơ quan chức năng như Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế và Hạ tầng hoặc UBND xã, thị trấn nơi có đất để tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tính pháp lý của các dự án đang quan tâm và được hướng dẫn các thủ tục mua bán đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai để hạn chế thấp nhất các rủi ro, tránh lừa gạt, phát sinh tranh chấp cho phía người nhận chuyển nhượng bất động sản khi tiến hành giao dịch.
Cần thận trọng để tránh “sập bẫy” giá ảo
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời điểm sau Tết, giá bất động sản tại một số huyện ngoại thành Hà Nội tăng nhưng chưa phải tăng theo giá trị đầu tư thật, mà chủ yếu do những nhà đầu cơ, lướt sóng, tập trung vào những khu vực thị trường “nóng”, ăn theo thông tin quy hoạch, đề xuất dự án hạ tầng hoặc thông tin lên quận huyện.
Hiện, thị trường vẫn còn đang gượng dậy sau dịch, nhiều "cò đất" lợi dụng thông tin này thổi giá làm thị trường ấm lên. Sau khi có một ít “sóng”, nhóm "cò đất" này lại nâng giá rồi bán một số lô, giữ lại một số để cuối cùng thổi lên lần 3 với mức giá tăng gấp 3 - 4 lần. Những cơn sốt này thực tế chỉ kéo dài trong 7 - 10 ngày.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, bản chất mọi hiện tượng sốt đất đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương. Để tránh “sập bẫy” giá ảo, người mua cần tìm một công ty môi giới uy tín để hỏi thông tin. Người dân cũng cần tự trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch và tiềm năng khai thác của khu vực đất dự định mua.
Đồng thời, tham khảo thông tin quy hoạch hoặc giá cả khu vực muốn mua đất từ những đơn vị quản lý Nhà nước. Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu kỹ giá đất ở khu vực xung quanh trong bán kính từ 3 - 5 km để so sánh giá.
Thực tế, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam “đóng băng” trong nửa năm, hàng trăm sàn giao dịch phải đóng cửa, và giới "cò đất" trong thời điểm này đều ngồi chơi, chờ đợi dịch bệnh đi qua. Chính vì vậy, từ giữa năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh đang được kiểm soát, thị trường bất động sản được phép hoạt động trở lại, nhiều “cò đất" đã phải bắt tay vào “làm nóng thị trường", tạo ra nhiều chiêu trò để “bẫy” nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Cẩm Anh (T/H)