Thứ sáu, 22/11/2024 23:08 (GMT+7)
Thứ tư, 26/07/2023 06:50 (GMT+7)

Chuyên gia cảnh báo thời tiết cực đoan đang đe dọa toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Các nhà khoa học quốc tế cho rằng, biến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng cực đoan trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong tháng 7 này.

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính của sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang gây thiệt hại mùa màng khắp thế giới và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Theo thống kê mới nhất, khoảng 700 triệu người trên thế giới đang thiếu đói. Biến đổi khí hậu có thể đưa thêm hơn 120 triệu người nữa - chủ yếu là nông dân - vào tình trạng đói nghèo cùng cực vào năm 2030, đẩy giá ngũ cốc tăng thêm khoảng 30% từ nay đến năm 2050.

Từ đầu tháng 7 đến nay, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân ở nhiều nước trên thế giới. Nền nhiệt ở Trung Quốc, Mỹ và Nam Âu đã phá vỡ mức kỷ lục, gây ra nhiều vụ cháy rừng, thiếu thốn nước sinh hoạt và gia tăng trường hợp nhập viện do các bệnh liên quan đến nắng nóng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học quốc tế, biến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng cực đoan trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong tháng 7 này.

Điển hình là các vụ cháy rừng đang lan rộng ở một số đảo của Hy Lạp, nhất là cháy rừng ở đảo Rhodes, khiến hàng nghìn du khách phải đi sơ tán. Nguyên nhân gây ra những vụ cháy rừng này là do nắng nóng kỷ lục ở Hy Lạp.

Theo nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, những hiện tượng thời tiết trên sẽ “hiếm khi xảy ra” nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Chuyên gia cảnh báo thời tiết cực đoan đang đe dọa toàn cầu - Ảnh 1
BBiến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng cực đoan trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong tháng 7 này.

Nhà khoa học Izidine Pinto của Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan, một trong số các tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: “Nhiệt độ tại châu Âu và Bắc Mỹ sẽ không thể cao như vậy nếu không do tác động của biến đổi khí hậu.”

Ước tính, sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nền nhiệt ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc tăng thêm lần lượt là 2,5 độ C, 2 độ C và 1 độ C.

Ngoài những tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nắng nóng đã gây thiệt hại quy mô lớn đối với mùa màng và chăn nuôi; trong đó phải kể đến các vụ mùa ngô và đậu nành ở Mỹ, chăn nuôi gia súc ở Mexico, sản lượng thu hoạch dầu oliu ở Nam Âu và vụ mùa bông ở Trung Quốc.

Mặc dù hiện tượng El Nino có thể là nguyên nhân gây ra nắng nóng gay gắt ở một số khu vực, song nhân tố chính vẫn là sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, các đợt nắng nóng cực đoan có nguy cơ gia tăng nếu con người không cắt giảm lượng khí thải nhà kính.

Các nhà khoa học ước tính những giai đoạn nắng nóng cực đoan kéo dài có thể sẽ xảy ra 2 đến 5 năm một lần nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu ước tính đã tăng hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ưu tiên ngân sách ứng phó với biến đổi khí hậu

Ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hiện đang là yêu cầu tất yếu của Việt Nam và là xu thế chung mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới. Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững đối với tất cả các quốc gia, giúp phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế "ô nhiễm trước, xử lý sau".

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng cũng là một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Trong thời gian qua, Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về nội dung này như: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, Việt Nam đã có những quy định về ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện bảo vệ môi trường. Theo Bộ Tài chính, hằng năm, ngân sách nhà nước bố trí chi sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xuân Tùng

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia cảnh báo thời tiết cực đoan đang đe dọa toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới