Thứ sáu, 22/11/2024 10:00 (GMT+7)
Thứ tư, 11/10/2023 14:59 (GMT+7)

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí: Tránh rập khuôn

Theo dõi KTMT trên

Các cơ quan báo chí đều có thế mạnh riêng, nhu cầu độc giả cũng khác nhau, vì thế mỗi cơ quan nên có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên áp dụng máy móc theo xu hướng.

Vấn đề chuyển đổi số báo chí được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ phải chuyển đổi thế nào và bắt nguồn từ đâu.

Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Trong một cơ quan báo chí, nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí: Tránh rập khuôn - Ảnh 1
Chuyển đổi số không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam co rằng: “Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không phân biệt tờ báo lớn hay tờ báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành và duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả thì khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn các tờ báo lớn không có chiến lược đúng đắn”.

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên…

“Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả”, ông Minh cho hay.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí với  tổng nhân sự là 42.400 người, trong đó báo in và điện tử chiếm 24.000 người. Với số lượng cơ quan báo chí đông đảo như vậy, trong khi mỗi toà soạn lại có văn hoá riêng, thế mạnh riêng, lượng độc giả riêng… vì thế, việc chuyển đổi số cũng phải dựa trên điều kiện hiện tại của từng đơn vị.

Trong 1 bài viết đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) nhận định, các cơ quan báo chí truyền thông cần phải có cách tiếp cận phù hợp với chuyển đổi số báo chí để tránh tình trạng rập khuôn máy móc theo xu hướng và phong trào chung nhưng cũng tránh tình trạng thờ ơ, thiếu quan tâm tới vấn đề này.

Ông Kiền cho rằng, quá trình tiến hành chuyển đổi số, mỗi cơ quan báo chí cần nghiên cứu, thảo luận, tính toán kỹ quy trình, đặc điểm, cách thức thực hiện sao cho thật phù hợp với mình. Chuyển đổi số không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Bởi vậy, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác.

Chuyển đổi số báo chí lại càng không thể thực hiện đồng loạt với tất cả các cơ quan báo chí truyền thông. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông cần có phương án để xây dựng các cơ quan thí điểm trong việc chuyển đổi số.

Theo ông Kiền, chuyển đổi số báo chí trước tiên cần quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện của Quốc gia (6 cơ quan theo Quy hoạch báo chí gồm: Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Công an Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân), đặc biệt là thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hình thành các loại hình truyền thông mới của các cơ quan này và một số cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng xã hội để nội dung báo chí chính thống chiếm lĩnh nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.

Hải An

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí: Tránh rập khuôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.