Chuyển đổi số: Báo chí phải đi trước một bước
Báo chí thường có những bài viết về chuyển đổi số. Tuy nhiên, vấn đề nghịch lý là nhiều cơ quan báo chí chưa hoàn thành, cũng như đang khó khăn trong việc chuyển đổi số. Vì vậy, trong vấn đề này, báo chí cần phải đi trước một bước.
Báo chí được xem là 1 lĩnh vực quan trọng, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Cho nên, trong xu thế chuyển đổi số hiện tại, báo chí không thể nằm ngoài cuộc. Để thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ tuyên truyền của mình, báo chí phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, để có thể đưa ra những bài viết, góc nhìn đa chiều, chính xác về xu hướng này.
Nhìn nhận được vấn đề trên, tháng 4/2023, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đây có thể coi là văn bản quan trọng hỗ trợ báo chí chuyển đổi số báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố sự ra đời của trung tâm trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; thông tin về bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
Tuy vậy, thời gian qua một số cơ quan báo chí chưa quyết tâm, quyết liệt trong chuyển đổi số. Lý giải về vấn đề này, nhà báo Trần Anh Tú, Phó tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông cho rằng, bởi họ vẫn thấy không cần thay đổi, vẫn có thu nhập, chưa bị sụt giảm hoặc bị sụt giảm kinh phí nhưng chưa tạo ra nguy cơ lớn.
Theo nhà báo Trần Anh Tú, việc phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đã tạo ra một "đường băng", định hướng đối với cơ quan báo chí. Chiến lược đã đề ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể đến năm 2025, cũng như hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Đặc biệt, việc xây dựng các nền tảng số, tối ưu hóa các nguồn thu là điều quan trọng mang tính định hướng đối với các cơ quan báo chí. Việc ra đời chiến lược này vừa là mục đích, "ánh sáng soi đường" nhưng cũng đồng thời là động lực thúc đẩy trong việc chuyển đổi số. Thông quan chiến lược đã khẳng định: Việc chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn muốn hay không muốn mà là điều bắt buộc đối với từng cơ quan báo chí, để vừa đáp ứng yêu cầu của độc giả; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ truyền thông trong thời đại mới, cũng như tối ưu hóa các nguồn lực và đạt hiệu quả cao hơn trong nguồn thu báo chí - ông Trần Anh Tú nói.
Là 1 trong những cơ quan đi đầu về chuyển đổi số báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết những năm gần đây, Báo Thanh Niên đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong các mặt hoạt động, nhất là trong công tác nội dung. Báo điện tử và kênh truyền hình, các trang mạng xã hội của báo đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm qua. Ðặc biệt, kênh YouTube của Báo Thanh Niên đã đạt cột mốc 5 triệu lượt người đăng ký theo dõi, tiếp tục giữ vững vị trí kênh tin tức số 1 của một tờ báo tại Việt Nam.
Từ thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với các cơ quan báo chí. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, đa phần các cơ quan báo chí Việt Nam chưa có đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số như mong muốn. "Ở đây rất cần quyết sách của Ðảng, Nhà nước để vực dậy hệ thống báo chí chính thống, không phải chỉ thông qua việc hỗ trợ tài chính mà cần những cơ chế về mô hình quản lý, chính sách đầu tư và khuyến khích liên kết kinh tế... Ðược như vậy, các cơ quan báo chí mới vượt qua được giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay, từng bước lấy lại thị phần thông tin trước mạng xã hội", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn bày tỏ.
Bên cạnh đó, Tổng biên tập Báo Thanh Niên kiến nghị: "Các cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hoạt động kinh tế báo chí khởi sắc trở lại thì khi đó việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng sẽ được chủ động thực hiện với các bước đi, hình thức phù hợp cho từng cơ quan báo chí. Ðiều này cũng sẽ rất tương thích với nhiệm vụ xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số".
Trong buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo một số cơ quan báo chí hồi tháng 6/2023, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí, truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông; bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
"Chúng ta không thể không chuyển đổi số, chúng ta không thể chậm chạp được, chúng ta phải đột phá hơn, đi nhanh hơn về chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong cơ quan báo chí. Chúng ta không thể để cơ quan báo chí lạc hậu về chuyển đổi số", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hải An