Thứ năm, 02/05/2024 02:46 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/10/2023 15:18 (GMT+7)

Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ: Dễ hay khó?

Theo dõi KTMT trên

Phát triển báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ đòi hỏi các cơ quan báo chí phải xây dựng một hệ thống công nghệ đồng bộ từ các trang bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, cho đến trình độ, kỹ năng của các phóng viên, nhà báo.

Sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội dưới sức tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, mạng xã hội, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng cao, sự phát triển của chính lĩnh vực báo chí cùng những vấn đề trong thực tiễn đặt ra yêu cầu các cơ quan báo chí cần phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiên, đa dịch vụ.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu chung của dự thảo chiến lược là: Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh báo chí đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ: Dễ hay khó? - Ảnh 1
Kênh Youtube của Báo Thanh Niên đạt hơn 5 triệu lượt đăng ký.

Theo Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật, báo Trung ương hay báo địa phương đều cần phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, ở đâu có độc giả ở đó có báo chí. Khi độc giả chuyển lên các nền tảng số, đương nhiên báo chí cũng phải có mặt ở đó để kịp thời lan tỏa thông tin của mình đến với bạn đọc, trong đó có phát triển nội dung video trên nền tảng số, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Báo Thanh Niên được coi là 1 tờ báo đi đầu trong việc phát triển báo chí đa nền tảng. Hiện nay, ngoài báo in, báo điện tử, ứng dụng di động, Báo Thanh Niên đã xây dựng và vận hành hệ thống hơn 10 trang, kênh trên mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Lotus. Fanpage của báo này cũng trở thành công cụ phối hợp sản phẩm báo chí cho Thanh Niên Online và tính đến nay cũng có 2,2 triệu lượt người theo dõi.

Theo các chuyên gia, xu thế phát triển báo chí đa nền tảng đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các cơ quan báo chí định hình lại để phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái truyền thông mới. Tuy nhiên, việc thay đổi từ “đơn nền tảng” sang “đa nền tảng” cũng làm cho các cơ quan báo chí đứng trước những thách thức không nhỏ về vấn đề quản lý tương tác, bình luận, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ những nguyên tắc cộng đồng của nhà cung cấp nền tảng.

Mô hình báo chí đa nền tảng cũng đòi hỏi các cơ quan báo chí phải làm chủ công nghệ nhằm kết hợp các nền tảng trong một chỉnh thể thống nhất- đây là đặc điểm vô cùng quan trọng. Điều này cho phép một cơ quan báo chí khi phát hành nội dung trên các nền tảng khác nhau được liên kết thống nhất với sự tương tác của độc giả.

Phải thừa nhận rằng, dù được coi là xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, tuy nhiên ở Việt Nam, báo chí đa nền tảng đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên đến từ mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, bởi không phải cơ quan báo chí-truyền thông nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị công nghệ hiện đại.

Một vấn đề khác là yếu tố con người, nhiều tờ báo hiện nay, số lượng nhân sự mỏng, lại quen với cách làm báo truyền thống, hạn chế tiếp xúc với công nghệ, chưa có đủ kỹ năng để làm báo đa nền tảng. Mà muốn phát triển theo hướng này các cơ quan báo chí cần có đội ngũ các phóng viên, nhà báo am hiểu về công nghệ, giỏi về mặt kỹ thuật. Cho nên việc nâng cao trình độ kỹ thuật về công nghệ cho phóng viên, nhà báo là việc hết sức cần thiết đối với các đơn vị báo chí muốn phát triển theo hướng đa nền tảng.

Cùng với đó việc chạy đua với mạng xã hội cũng đòi hỏi các phóng viên, nhà báo phải thường xuyên chịu áp lực bắt kịp tốc độ phát tán tin tứ, phải đối mặt với các mốc thời hạn trong mỗi ngày làm việc, phải theo đuổi để cập nhật diễn biến của bản tin suốt cả 24 giờ. Chính điều này tạo ra sự lo lắng về chất lượng nội dung báo chí bị hạn chế.

Do đó, nếu các cơ quan báo chí muốn phát triển xu hướng đa nền tảng, theo đánh giá của các chuyên gia, cần có chiến lược đầu tư cả về khoa học kỹ thuật lẫn con người. Cần phải xây dựng một hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn bộ báo, giúp điều hành mọi quy trình sản xuất thông tin của các bản tin, các ấn phẩm…Hệ thống này phải kết nối liên thông từ sản xuất báo in cho đến báo điện tử, quản lý các hệ thống cơ sở dữ liệu nội dung và người dùng cũng như hệ thống quản lý và phân phối quảng cáo.

Báo chí đa nền tảng là một mô hình báo chí khá đặc thù, cùng với những yêu cầu chung, tác nghiệp đa phương tiện trong mọi hoàn cảnh, đối với nhà báo, người làm báo cần được trang bị kỹ năng nghiệp vụ về công nghệ thông tin, và kinh nghiệm trong xử lý dòng thông tin các nền tảng khác nhau. Bởi vậy, cần phải tuyển dụng nhân lực công nghệ tài năng trong khi đào tạo để các nhà báo nắm được những kỹ năng công nghệ cơ bản, thậm chí đủ khả năng lập trình, xử lý dữ liệu và sản xuất báo chí dữ liệu (data journalism).

Hải An

Bạn đang đọc bài viết Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ: Dễ hay khó?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.