Thứ sáu, 19/04/2024 16:04 (GMT+7)
Thứ năm, 30/12/2021 08:08 (GMT+7)

Chương trình phục hồi KT-XH: Tiền 'tiêu' trong 2 năm nhưng tầm nhìn phải xa hơn

Theo dõi KTMT trên

Nếu được thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường vào ngày 11/1, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ sớm được triển khai, các gói hỗ trợ kết hợp của chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ sớm được tung ra nền kinh

Theo dự kiến, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) có thể chỉ kéo dài 2 năm (2022-2023), nhưng từng đồng vốn chi ra trong đó là để tạo nền tảng phục hồi, phát triển vững chắc trong dài hạn chứ không phải chỉ cho thời gian 2 năm này.

Trong thời gian vừa qua, sau nhiều lần bàn thảo tại các cấp, dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cuối cùng đã “thành hình”. Dự kiến, dự thảo Nghị quyết này sẽ được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày ngay sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV ngày 4/1/2022 tới đây, trước khi được thảo luận và xem xét thông qua.

Chương trình phục hồi KT-XH: Tiền 'tiêu' trong 2 năm nhưng tầm nhìn phải xa hơn - Ảnh 1
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay 100% công nhân Công ty may mặc Dony (quận Tân Bình, TP.HCM) đi làm ổn định nên các đơn hàng xuất khẩu luôn đúng tiến độ. (Ảnh: Tự Trung)

Hỗ trợ nền kinh tế trong 2 năm qua 11,2 tỷ USD là chưa đủ

Nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã thống kê hồi đầu tháng 12 vừa qua cho thấy, từ đầu năm 2020 đến tháng 10/2021, tổng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ tại Việt Nam ước đạt 11,2 tỷ USD, tương đương 3,99% GDP quốc gia năm 2020.

Chương trình phục hồi KT-XH: Tiền 'tiêu' trong 2 năm nhưng tầm nhìn phải xa hơn - Ảnh 2
(Nguồn: Nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế Quốc hội, IMF).

Như vậy, quy mô gói hỗ trợ được đánh giá tương đối nhỏ các quốc gia trên thế giới, thấp hơn nhiều mức hỗ trợ bình quân của các nền kinh tế mới nổi (7,91% GDP) và còn thấp hơn cả mức hỗ trợ bình quân của các quốc gia thu nhập thấp (4,28% GDP), theo IMF.

Trong đó, gói hỗ trợ tài khóa ước 7,9 tỷ USD, tương đương 2,94% GDP, gói hỗ trợ tiền tệ khoảng 3,3 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP.

Mặt khác, một khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 8/2021 cho thấy gói hỗ trợ tài khóa với trọng tâm chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cũng như gói hỗ trợ tiền tệ tập trung vào miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, cơ cấu lại nợ… đang còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả hỗ trợ kinh tế tối đa như mong đợi.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế Quốc hội TS Cấn Văn Lực nhận định: “Hai năm qua chúng ta đã có các gói hỗ trợ cả tài khóa và tiền tệ rồi. Trong đó gói tài khóa tính cả an sinh xã hội quy mô khoảng 3% GDP, gói hỗ trợ tiền tệ khoảng hơn 1% GDP thông qua việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 3 lần, ổn định tỷ giá, giảm phí, cơ cấu lại nợ… Các gói hỗ trợ này phần nào có tác dụng trong giảm thiểu tác động của đại dịch, nhưng chưa đủ”.

Việt Nam cần làm tốt hơn, làm mạnh hơn nữa trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tức là gói cần đủ lớn, đủ nhanh, hiệu quả, kết hợp phù hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, TS Cấn Văn Lực cho hay.

Chương trình phục hồi KT-XH: Tiền 'tiêu' trong 2 năm nhưng tầm nhìn phải xa hơn - Ảnh 3
TS Cấn Văn Lực.

“Nếu không sớm có gói hỗ trợ đặc biệt, nền kinh tế sẽ lỡ nhịp phục hồi”.

Lỡ nhịp là rủi ro hiển hiện trước mắt, bởi trong khi nền kinh tế thế giới bước vào năm 2021 phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam lại đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát.

TS Cấn Văn Lực chỉ ra hàng loạt thách thức của nền kinh tế trong năm 2021: “Sức cầu còn yếu, doanh số bán lẻ chậm phục hồi. Thu chi ngân sách gặp nhiều khó khăn, dù thu ngân sách 11 tháng đầu năm đã đạt kế hoạch nhưng cơ cấu nguồn thu rất thiếu bền vững do tăng thu chủ yếu từ các khoản bất thường như thu từ chứng khoán, bất động sản, tài chính ngân hàng…".

Ông Lực nói thêm: "Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm và rủi ro nợ xấu ngân hàng tăng cũng gây sức ép đáng kể cho đà phục hồi. Bên cạnh đó là tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, được thể hiện qua nhiều con số thống kê như tỷ lệ doanh nghiệp rời thị trường rất lớn…”.

Chương trình phục hồi KT-XH: Tiền 'tiêu' trong 2 năm nhưng tầm nhìn phải xa hơn - Ảnh 4
Tăng trưởng GDP quý III/ 2021 giảm tốc chưa từng có do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4.

Tối đa hóa hiệu quả từng đồng vốn

Quốc hội giao mục tiêu, năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%. Nhưng nhìn xa hơn, còn nhiều mục tiêu trung và dài hạn cần hoàn thành như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra là đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chương trình phục hồi tổng thể, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, kết hợp cả chính sách tài khóa - tiền tệ, tác động từ cả phía cung và cầu… như Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã tuyên bố tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là động lực cần thiết để bù lại đà tăng trưởng giảm tốc trong năm nay, tiến đến những mục tiêu dài hạn.

Một đề xuất do nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hồi đầu tháng 12 cũng phác thảo chương trình phục hồi kinh tế xã hội 2022-2023 với tổng trị giá lên tới 843.845 tỷ đồng, tương đương 10,38% GDP dự kiến năm 2021 (giả định tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2%). Trong đó, thực chi ước 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,48% GDP năm 2021.

Chương trình phục hồi KT-XH: Tiền 'tiêu' trong 2 năm nhưng tầm nhìn phải xa hơn - Ảnh 5
Khung đề xuất về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội do Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.

Trong kịch bản này, sẽ có lượng tiền lớn đưa vào nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực, từ an sinh xã hội, nâng cao năng lực y tế cho đến giải pháp tài khóa - tiền tệ để phục hồi thị trường lao động, doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công.

Nhưng lấy tiền từ đâu để bơm vào nền kinh tế? Nguồn huy động vốn được đề xuất lấy từ phát hành trái phiếu Chính phủ, nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, việc tiết giảm chi phí, các quỹ ngoài ngân sách, thậm chí tính đến cả phương án đi vay nước ngoài trong điều kiện vay dễ dàng như hiện nay hoặc sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần.

Dù quy mô Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sắp thảo luận tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022 lớn đến đâu, nguồn tiền có lấy từ những nguồn đề xuất trên đây hay không, có một điều chắc chắn là việc triển khai các gói hỗ trợ lớn chưa từng có tiền lệ như vậy sẽ khiến nợ công trên GDP tăng lên. Tức là gánh nặng trả nợ của Nhà nước, hay cụ thể hơn là gánh nặng nợ trên vai mỗi người dân, người nộp thuế sẽ tăng lên.

Quan điểm thống nhất là cần thiết có Chương trình phục hồi quy mô lớn, nhưng quan trọng hơn, khi chi mạnh rồi thì phải tính đến hiệu quả kinh tế từng đồng vốn bỏ ra sao cho xứng đáng nhất, có tác động thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng bền vững nhất. Chỉ khi sử dụng hiệu quả từng đồng vốn, mẫu số GDP mới tăng tương xứng, vô hình chung làm giảm gánh nặng nợ công/ GDP. Đó mới thực sự là nền tảng vững chắc cho kinh tế trong dài hạn.

Cần nhìn nhận rằng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội có thể chỉ kéo dài 2 năm (2022-2023), nhưng từng đồng vốn chi ra trong đó là để tạo nền tảng phục hồi, phát triển vững chắc trong dài hạn chứ không phải chỉ cho 2 năm tròn trĩnh. Xác định như vậy để tiền thì tiêu trong 2 năm, nhưng tác động lan tỏa của mỗi đồng vốn thì xa hơn thế.

TS Cấn Văn Lực nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022: “Nhìn chung tiềm năng phục hồi kinh tế năm 2022 là rất lớn nhưng nó đi kèm 2 điều kiện cần: Một là thực hiện tốt chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn; hai là đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, các điều kiện cần là tiếp tục đề án tái cơ cấu kinh tế, các chương trình chuyển đổi số quốc gia... để tạo động lực cho phục hồi bền vững”.

Trong trường hợp triển khai thực sự hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 thì tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 6-6,5%, tăng trưởng GDP năm 2023 kỳ vọng 6,5-7%, TS Cấn Văn Lực cho hay.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chương trình phục hồi KT-XH: Tiền 'tiêu' trong 2 năm nhưng tầm nhìn phải xa hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .