Thứ tư, 01/05/2024 03:42 (GMT+7)
Thứ hai, 27/03/2023 07:15 (GMT+7)

“Chương trình nghị sự về nước”: Bảo vệ nguồn lợi quý giá nhất của nhân loại

Theo dõi KTMT trên

Chương trình nghị sự về nước đặt ra một loạt các cam kết thay đổi tình hình về nước hiện tại theo định hướng hành động, và là một phần của di sản văn hóa của thế giới.

Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 đã bế mạc với việc thông qua Chương trình nghị sự về nước và nhiều cam kết ý nghĩa khác. Đây là một kế hoạch hành động “cột mốc” bao gồm gần 700 cam kết nhằm bảo vệ lợi ích chung toàn cầu quý giá nhất của nhân loại.

Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023 đã nêu bật cam kết của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước, một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay. Ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nước và sử dụng nguồn tài nguyên này bền vững là vấn đề sống còn đối với thế giới.

Theo đó, Chương trình nghị sự về nước (còn gọi là Chương trình hành động vì nước) đặt ra một loạt các cam kết thay đổi tình hình về nước hiện tại theo định hướng hành động, từ việc đưa ra lựa chọn thực phẩm thông minh hơn đến đánh giá lại nước như một động lực kinh tế mạnh mẽ và là một phần của di sản văn hóa của thế giới.

Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 còn cho thấy quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý báu này cho thế giới ngày nay và các thế hệ tương lai.

“Chương trình nghị sự về nước”: Bảo vệ nguồn lợi quý giá nhất của nhân loại - Ảnh 1
Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023 đã nêu bật cam kết của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước, một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay. 

Từ việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật đến chống lại đói nghèo, tài nguyên thiên nhiên này cũng được quan tâm trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào thời điểm thế giới đang đương đầu ứng phó với biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và ô nhiễm.

“Đó là lý do tại sao nước cần phải là trung tâm của chương trình nghị sự chính trị toàn cầu. Hy vọng của tất cả nhân loại về tương lai, theo một cách nào đó, phụ thuộc vào việc vạch ra một lộ trình mới dựa trên cơ sở khoa học để đưa Chương trình hành động vì nước vào cuộc sống”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh.

Ông cho rằng cần thực hiện các hành động hướng tới tương lai như phát triển các hệ thống lương thực thay thế mới để giảm việc sử dụng nước không bền vững trong nông nghiệp, đồng thời khởi động một hệ thống thông tin toàn cầu mới nhằm hướng dẫn các kế hoạch và ưu tiên để thực hiện các SDG. Ông đề nghị bổ nhiệm một Đặc phái viên về nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào tháng 9 tới.

Giải pháp tổng thể, công bằng trong quản lý

Giới chuyên gia cho rằng, dân số thế giới ngày càng tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người không được tiếp cận nguồn nước sạch. Tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng do ô nhiễm và lạm dụng, trong khi sự ấm lên toàn cầu làm gia tăng tình trạng thiếu nước theo mùa ở cả những khu vực có nhiều nước cũng như những khu vực vốn khô cạn.

Cuộc khủng hoảng nước hiện nay là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia. Khoảng 10% dân số thế giới đang sống tại các nước bị đe dọa về nguồn nước. Ít nhất 2 tỷ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt, trong khi khoảng 3,6 tỷ người không được tiếp cận hệ thống lọc nước hiệu quả.

Tại phiên đối thoại cấp cao Hợp tác về nước trong khuôn khổ Hội nghị của Liên Hợp Quốc về nước năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, 60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam cũng tham gia mô hình hợp tác Uỷ hội sông Mê Kông, được nhiều quốc gia quan tâm. Trên phạm vi thế giới hiện có hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, các lưu vực sông đều có chức năng rất quan trọng về môi trường, phát triển năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giải trí…

Mỗi lưu vực sông xuyên biên giới cần được nhìn nhận đầy đủ để có cơ chế quản lý tổng hợp. Cùng với đó, sự thống nhất các dòng sông xuyên biên giới, cũng như sự đa dạng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước, đòi hỏi cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia.

"Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới, phải có sự kết nối", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đã chia sẻ một số giải pháp tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước.

Trước hết, các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chung để quản lý toàn diện, tổng hợp lưu vực sông xuyên biên giới trong tính đa dạng và thống nhất. Từ đó, các quốc gia cùng nhau bảo đảm việc khai thác, sử dụng nước bền vững; chia sẻ các lợi ích từ nước; trao đổi, thảo luận, tham vấn lẫn nhau khi đưa ra những dự án phát triển trên cơ sở đánh giá tác động, môi trường, dòng chảy, lưu vực sông.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng đề cập đến tính cấp thiết phải hình thành hệ thống quan trắc trực tiếp, ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại để đặt ra các bài toán, dự báo về các dòng sông.

"Quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích sử dụng, phân bổ nguồn nước; giải quyết tình trạng thừa nước, thiếu nước, bảo đảm dòng chảy và bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học", Phó Thủ tướng nhận định.

Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 diễn ra từ ngày 22 đến 24/3 với 5 chủ đề đối thoại chính: Nước cho sức khỏe; Nước vì sự phát triển bền vững; Nước đối với khí hậu, phục hồi và môi trường; Nước đối với sự hợp tác; và Thập kỷ hành động nước. Các phiên thảo luận nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030.

Với khoảng 6.500 khách mời tham dự, trong đó có hàng trăm bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo nhà nước, tại hội nghị này, các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đề xuất các chương trình bảo vệ nguồn nước nhằm đảo ngược xu hướng khan hiếm nước và giúp thế giới đạt được mục tiêu phát triển đã được đề ra vào năm 2015, trong đó bảo đảm “tiếp cận nước và hệ thống lọc nước cho tất cả mọi người vào năm 2030”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết “Chương trình nghị sự về nước”: Bảo vệ nguồn lợi quý giá nhất của nhân loại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).