Thứ sáu, 22/11/2024 23:56 (GMT+7)
Thứ tư, 22/03/2023 06:50 (GMT+7)

Ngày Nước thế giới 2023: Nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Với chủ đề là “Accelerating Change” - “Thúc đẩy sự thay đổi”, Ngày Nước thế giới 22/3 nhằm kêu gọi bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.

Năm 2023, Ngày Nước thế giới 22/3 được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề là “Accelerating Change” - “Thúc đẩy sự thay đổi” nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia.

Đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu. Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3-14/6/1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy Ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước thế giới nhằm kêu gọi toàn nhân loại nhận thức đầy đủ hơn về vị trí và tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống con người, sự phát triển bền vững của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Qua đó, cùng nhau cam kết hành động để bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này không chỉ cho hiện tại mà cho cả các thế hệ mai sau.

Ngày Nước thế giới 2023: Nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia - Ảnh 1
Ngày Nước thế giới 22/3/2023 được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề là “Accelerating Change” - “Thúc đẩy sự thay đổi”.

Chương trình Hành động vì nước là tập hợp các cam kết tự nguyện từ các chính phủ, doanh nghiệp, công ty, tổ chức, cơ quan, liên minh và các thành viên của cộng đồng, được xây dựng nhằm thúc đẩy các mục tiêu về nước và vệ sinh đã được quốc tế thống nhất, trong đó đáng chú ý nhất là Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của Liên Hợp quốc (SDG6) “Nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.

Hiện tại, thế giới đang đi chệch hướng nghiêm trọng để đáp ứng SDG 6. Dữ liệu mới nhất cho thấy các chính phủ phải nỗ lực hơn gấp 4 lần để đạt được Mục tiêu này đúng hạn. Có nhiều tác nhân tác động đến vòng tuần hoàn nước (còn gọi là chu trình nước) dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực ở quy mô toàn cầu, từ sức khỏe đến nạn đói, bình đẳng giới đến việc làm, giáo dục tới công nghiệp, thảm họa đến hòa bình.

Sự thay đổi nhanh chóng, khẩn trương là cần thiết và mọi người đều có thể đóng vai trò quan trọng. Mỗi hành động dù nhỏ đến đâu cũng sẽ tạo nên sự khác biệt.

Trong số 17 Mục tiêu Phát triển bề vững của Liên Hợp Quốc thì Mục tiêu số 6 về “Đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người” là một trong những mục tiêu quan trọng. Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để quyết tâm thực hiện mục tiêu này từ khi tham gia ký cam kết thực hiện đến nay.

Việt Nam luôn xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Vì vậy, Hiến pháp quy định “nước là tài sản”, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước, góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của khu vực và toàn cầu.

Điển hình, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng tăng cường công tác triển khai các hoạt động hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước; cải tạo, phục hồi các dòng sông suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm.

Bên cạnh đó, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Trong đó, mới đây nhất là việc Chính phủ ban hành Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long, …

Chủ đề của Ngày Nước Thế giới qua từng năm

Năm 2023: Thúc đẩy sự thay đổi

Năm 2022: Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình

Năm 2021: Giá trị của nước

Năm 2020: Nước và Biến đổi khí hậu

2019: Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau

2018 - Nước với thiên nhiên

2017 - Nước thải

2016 - Nước và Việc làm

2015 - Nước là cốt lõi của phát triển bền vững

2014 - Nước và Năng lượng

2013 - Hợp tác vì nước

2012 - Nước và an ninh lương thực

2011 - Nước cho phát triển đô thị

2010 - Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh

2009 - Chia sẻ nguồn nước, Chia sẻ cơ hội

2008 - Năm Quốc tế về Vệ sinh

2007 - Đối phó với tình trạng khan hiếm nước

2006 - Nước và Văn hóa

2005 - Nước cho cuộc sống 2005 - 2015

2004 - Nước và thiên tai

2003 - Nước cho tương lai

2002 - Nước để phát triển

2001 - Nước và sức khỏe

2000 - Nước cho thế kỷ 21

1999 - Mọi người đều ở “hạ lưu”

1998 - Nước ngầm - nguồn tài nguyên vô hình

1997 - Nước trên thế giới liệu có đủ?

1996 - Nước cho các thành phố đang khát

1995 - Nước và Phụ nữ

1994 - Chăm sóc tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi người

Khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng thông điệp, chủ đề Ngày Nước
thế giới 2023:

- Tiết kiệm nước để bảo vệ hành tinh của chúng ta. 

- Bảo vệ tài nguyên nước là góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. 

- Tiếp cận với nước an toàn là quyền bình đẳng của mỗi người. 

- Tiết kiệm nước phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. 

- Tiết kiệm nước hôm nay là tiết kiệm nước cho tương lai.

 - Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ để thúc đẩy những thay đổi lớn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ngày Nước thế giới 2023: Nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới