Thứ bảy, 14/12/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ năm, 04/03/2021 06:30 (GMT+7)

Chung tay hành động bảo vệ động vật hoang dã

Theo dõi KTMT trên

Ngày Động vật, thực vật hoang dã thế giới (3/3) là dịp để truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động vật, thực vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn nền tảng đa dạng sinh học.

Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới (3/3), được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động vật, thực vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn nền tảng đa dạng sinh học.

Nhân Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới 2021, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lan tỏa thông điệp “Rừng và Sinh kế: Duy trì sự bền vững cho nhân loại và hành tinh”, qua đó nhấn mạnh vai trò của rừng, các loài hoang dã và các dịch vụ hệ sinh thái trong việc ổn định sinh kế cho hàng trăm triệu người trên Trái Đất, đặc biệt là cộng đồng bản địa gắn kết với rừng, sinh sống gần rừng.

2/3 quần thể động vật hoang dã bị suy giảm từ năm 1970 đến nay

Theo Báo cáo Sức sống hành tinh 2020 được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới công bố, trong vòng chưa tới nửa thế kỷ, 2/3 quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm, phần lớn là do môi trường bị phá hủy. Đây cũng là nguyên nhân góp phần lây lan các dịch bệnh liên quan đến động vật, như Covid-19.

Báo cáo sử dụng dữ liệu 20.811 quần thể của 4.392 loài, các chỉ số Sức sống hành tinh 2020 cho thấy trung bình giảm 68% quần thể các loài được theo dõi. Tỉ lệ thay đổi trong chỉ số này phản ánh bình quân sự thay đổi của kích cỡ quần thể của các loài được theo dõi trong 46 năm. Tỉ lệ này không phải là số lượng cá thể động vật bị mất.

Chung tay hành động bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 1
Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới 3/3. (Ảnh: People)

Chỉ số Sức sống hành tinh (LPI) do Hiệp hội Động vật học London (ZSL) tính toán đã cho thấy các yếu tố khiến các đại dịch dễ bùng phát trên Trái Đất cũng chính là tác nhân thúc đẩy mức suy giảm trung bình 68% quần thể các loài có xương sống trên toàn cầu từ năm 1970 tới 2016. Những yếu tố này gồm có sự thay đổi trong sử dụng đất và buôn bán động vật hoang dã.

Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF quốc tế chia sẻ: "Báo cáo Sức sống hành tinh 2020 đã nhấn mạnh sự phá hủy thiên nhiên ngày càng tăng của chúng ta đang không chỉ hủy diệt động vật hoang dã mà cả sức khỏe con người cũng như tất cả các khía cạnh của cuộc sống của chúng ta".

"Chúng ta không thể bỏ qua các bằng chứng về chỉ số suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài động vật hoang dã. Đây là chỉ số cảnh báo môi trường thiên nhiên và là môi trường sống của chúng ta đang bị dọa nghiêm trọng. Hành tinh chúng ta đang phát tín hiệu đỏ, cảnh báo lỗi hệ thống. Từ các loài cá ở đại dương và sông ngòi đến loài ong vốn có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, sự suy giảm ở động vật hoang dã ảnh hưởng trực tiếp đến dinh dưỡng, an ninh lương thực và sinh kế của hàng tỉ người”, Tổng giám đốc WWF cảnh báo.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hai nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học là mất sinh cảnh sống và nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã. Quy mô dân số của Việt Nam đang dần tiến đến con số 100 triệu người là sức ép rất lớn lên các hệ sinh thái – nơi cung cấp các nguồn sống cho con người.

Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng thiên nhiên, sử dụng các loài động thực vật hoang dã phục vụ nhu cầu cuộc sống đã ăn sâu trong văn hóa từ lâu đời. Các loài động thực vật hoang dã đã và đang bị khai thác cạn kiệt. Trong những năm gần đây, khi đời sống kinh tế được nâng cao, Việt Nam thậm chí đang được cho là điểm đến của nhiều sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, tê tê,… từ nhiều nơi trên thế giới để phục vụ nhu cầu của tầng lớp "nhà giàu mới nổi".

Thay đổi nhận thức để tránh các mối đe dọa

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy mối liên hệ giữa việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã với nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Theo đó, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 30 năm qua có nguồn gốc lây lan từ động vật sang người, bao gồm HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola,...

Chung tay hành động bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 2
Động vật hoang dã cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm sang người. (Ảnh minh họa)

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng, năm 2020, Việt Nam chứng kiến nhiều biến cố thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Một trong những nguyên nhân được cho là do chúng ta đã làm mất khả năng phòng hộ của các hệ sinh thái tự nhiên.

“Vì vậy tôi muốn gửi đi thông điệp về sự khẩn cấp phải bảo vệ những cánh rừng và các hệ sinh thái tự nhiên còn sót lại trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ tăng cường hơn nữa việc thực thi pháp luật bảo vệ các loài động thực vật hoang dã để các khu rừng không trở thành những khu “rừng lặng”. Thiên nhiên có thể tồn tại không cần con người chúng ta. Nhưng chúng ta cần thiên nhiên để tồn tại!”, ông Nguyên khẳng định.

Trước những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng do tình trạng buôn bán động vật hoang dã gây ra, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên kêu gọi Bộ Y tế thúc đẩy phát triển các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối nguy hiểm của việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ và tiếp xúc với động vật hoang dã.

GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam lo ngại: "Danh sách động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm, hiện đã lên đến gần 1.000 loài. Với tốc độ săn bẫy để phục vụ cho các nhà hàng sang trọng như hiện nay thì dù hàng trăm khu bảo tồn hoạt động hết công suất cũng không bao giờ đuổi kịp tốc độ tiêu xài thịt thú rừng trên bàn tiệc của các đại gia”.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Chung tay hành động bảo vệ động vật hoang dã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới