Thứ hai, 06/05/2024 18:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/08/2020 19:00 (GMT+7)

Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên

Theo dõi KTMT trên

Chùa Ông hay có tên gọi khác là Bản Tịch tự, toạ lạc tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm. Ngôi chùa mang vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông đến nay đã gần 1000 năm tuổi. Đây là niềm tự hào của người dân Văn Lâm nói riêng và là di tích lịch sử văn hóa có giá trị lâu đời của xứ nhãn Hưng Yên.

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 19km, dọc theo tuyến Quốc lộ 5 hướng Hà Nội - Hải Phòng, rẽ phải vào thôn Bình Lương, xã Tân Quang (huyện Văn Lâm) là ngôi chùa cổ được nhân dân nơi đây gọi là chùa Ông.

Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 1
Chùa Ông còn có tên là Bản Tịch tự, được xây dựng vào khoảng thế kỉ XII, XIII.

Theo văn bia của chùa (nay chỉ còn thác bản hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm), ngôi chùa được khởi dựng dưới thời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Văn bia mang ký hiệu 5527 - 5528, trên trán bia đề: Bản Tịch tự bi minh, niên đại bia đề thời Lê Chính Hòa thứ 20 (1644), nội dung bia ghi việc thờ đức Thiền sư Từ Đạo Hạnh và ý nghĩa việc đặt tên chùa là chùa Bản Tịch.

Nguyên văn bia như sau: "Thị tự bản cổ tích danh lam tạo tự Lý triều Thần Tông đệ ngũ Hoàng đế, trung phụng Đại thánh Từ Đạo Hạnh tôn giả, Phật nhật thường minh pháp luân thường chuyển, bản tính tịch nhiên bất động nhân dĩ tự danh…. "

Dịch nghĩa: Chùa ấy vốn là danh lam cổ tích xưa, được gây dựng từ thời vua Lý Thần Tông, Hoàng đế thứ 5 triều Lý. Bên trong phụng thờ Đại thánh Từ Đạo Hạnh tôn giả. Phật nhật hào quang, pháp luân chuyển mãi, bản tính tịch nhiên không hề lay động, thế nhân lấy đó mà đặt tên chùa (là Bản tịch).

Chùa Ông dưới thời Lê là nằm trên địa phận hai thôn Bình Lương, Lương Xá, xã Đình Loan, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An thuộc xứ Kinh Bắc. Năm Minh Mạng thứ 13 (1834) đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Tới cuối đời Nguyễn mới gọi là huyện Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên. Trong chùa hiện còn tượng đồng Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông (đời thứ 5 nhà Lý - cũng là hiện thân Từ Đạo Hạnh sau sự trút xác ở núi Thầy).

Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 2
Những viên gạch cổ từ thời nhà Lý còn sót lại...

Chùa được bố trí hài hòa cân xứng theo kiểu chữ Tam bao gồm các hạng mục: Tiền đường, trung từ và hậu cung. Năm 1938, chùa được trùng tu, tôn tạo lại, kết cấu các vì theo kiểu chồng rường bào trơn có điểm hoa văn.

Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 3Chùa Nôm, làng Nôm - nơi lưu giữ hồn quê Bắc Bộ

Toàn bộ khung, cột của ngôi cổ tự được làm bằng gỗ lim rắn chắc, kết hợp với kiến trúc cổ chạm khắc công phu tạo cho tòa tiền đường một thế vững chắc mang tính nghệ thuật cao. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ xưa của ngôi chùa mang kiến trúc nghệ thuật rất công phu và độc đáo. Bước vào cổng chùa là không gian an yên, tĩnh tại với mái chùa rêu phòng trầm mặc.

Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 4
Mái chùa theo kiến trúc cổ gợi cảm giác về sự thanh bình mà trang trọng, thiêng liêng...
Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 5
Ông ngựa bằng đồng từ thời xa xưa nay vẫn còn nguyên vẹn.
Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 6
Cổng chùa uy nghi được xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa của thời nhà Lý.

Theo sách sử, chùa Ông được vua Lý Thần Tông xây dựng vào mùa xuân. Do vậy, mỗi dịp xuân về, nhân dân thôn Bình Lương nói riêng và nhân dân xã Tân Quang cùng du khách thập phương lại tụ hội về đây mở hội, làm lễ dâng hương để tưởng nhớ đến người đã có công đánh giặc giữ nước, dựng chùa.

Lễ hội truyền thống chùa Ông diễn ra vào 3 ngày, từ ngày 7/3 - 9/3(Âm lịch) trong đó ngày 9/3 là hội chính. Năm 2001, Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, là niềm tự hào của người dân Văn Lâm.

Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 7
Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 8
Không gian mộc mạc, yên bình xen lẫn sắc xanh của cỏ cây càng tôn thêm vẻ đẹp của mái chùa.
Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên - Ảnh 9
Chiều an yên bên ngôi chùa cổ...

Điều đặc biệt, dù đã được xây dựng từ rất lâu đời nhưng từ đó cho đến năm 2007 chùa chưa hề có sư trụ trì. Tuy nhiên, ngôi chùa vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ rất tốt. Từ năm 2007 đến nay, Đại đức Thích Minh Hậu đã về trụ trì, ngôi chùa cũng đã được trùng tu tôn tạo khang trang hơn nhiều. Trong tương lai gần, hy vọng ngôi chùa sẽ được đầu tư tu bổ, phục dựng để nơi đây trang nghiêm và tố hảo hơn, góp phần giữ gìn không gian văn hoá tâm linh có giá trị lịch sử của dân tộc.

Trải qua gần 1000 năm lịch sử, chùa đã được trùng tu, phục dựng nhiều lần, đặc biệt là dưới thời Lê Trung Hưng nhưng chùa Ông vẫn giữ được nét cổ kính với lối kiến trúc cũ mang đậm dấu ấn văn hoá thời nhà Lý.

Ngôi chùa bình yên, thoảng hương trầm tịnh mặc luôn rộng mở đón Phật tử, người dân, du khách đến vãn cảnh, cầu bình an. Chiều tàn rơi ở ngôi cổ tự để lại những cảm xúc đặc biệt khiến bước chân du khách như muốn dừng trong khoảng không gian tĩnh tại, quên hết muộn phiền để tâm hồn được vô ưu, thanh thản...

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Chùa Ông - Ngôi cổ tự linh thiêng của xứ nhãn Hưng Yên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).

Tin mới

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.