Thứ sáu, 22/11/2024 11:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/06/2021 05:38 (GMT+7)

Chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới

Theo dõi KTMT trên

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể.

Các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau lập đề xuất chủ trương đầu tư và tiêu chí lựa chọn danh mục dự án đầu tư thuộc đề án. Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ chủ trì, phối hợp xây dựng danh mục dự án ưu tiên để trình UBND thành phố tổ chức thực hiện. 

Mở rộng mạng lưới giao thông

Theo nội dung đề án, TP.HCM đặt chỉ tiêu trong 10 năm (2020 - 2030), phát triển thêm 652,11 km đường bộ, 211,97 km đường sắt, BRT, 365,56 km đường thủy nội địa; xây dựng 81 dự án cầu lớn, 15 nút giao thông lớn, 31 dự án giao thông tĩnh; triển khai 7 dự án thuộc chương trình đô thị thông minh và đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ kết nối TP.HCM với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch được phê duyệt. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2030 ước đạt 17,8%, gấp hơn 2 lần so với hiện nay. Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố khi đó ước đạt 3,10km/km2.

Dự kiến tổng mức đầu tư là 970.654 tỉ đồng. Theo đó, vốn ngân sách khoảng 399.729 tỉ đồng, vốn khác (TW, ODA, PPP…) khoảng 570.925 tỉ đồng.

Trong đó, các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2021: Xây dựng hoàn thành 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ thiêm; Cầu Thủ Thiêm 2; Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy); sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh); Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; Cầu Long Kiểng; Xây dựng mới cầu Hang Ngoài, quận Gò Vấp...

Chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới - Ảnh 1
Trong năm 2021, nhiều dự án giao thông lớn sẽ được hoàn thành. (Ảnh minh họa)

Chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách

TS Lê Đỗ Mười - Chuyên gia về hạ tầng giao thông cho biết, những năm gần đây hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng được đẩy mạnh, nhiều khu đô thị mới được hình thành với tốc độ phát triển nhanh chóng.

Sự phát triển về hạ tầng, kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận còn giúp TP.HCM giải tỏa được áp lực gia tăng dân số và đô thị hóa.

Sở GTVT cho biết năm 2021, trên cơ sở cân đối nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, Sở sẽ xem xét lập đề xuất chủ trương đầu tư với các dự án trọng điểm, cấp bách lập trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021.

Cụ thể gồm: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; Vành đai 2, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội); Đoạn 2 (từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng); Đoạn 4 (từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh).

Bên cạnh đó, các tuyến Quốc lộ cần cải tạo, nâng cấp gồm: Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); Mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu).

Các nút giao thông, cầu sẽ thực hiện xây dựng: Nút giao An Phú; Cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, Cầu Cần Giờ, Cầu Cát Lái, Cầu đường Bình Tiên, Cầu Rạch Dơi, Cầu Bình Quới, Cầu Bình Quới - Rạch Chiếc; Xây dựng 02 cầu trên tuyến đường N2 và đường N4 để kết nối giao thông với lô đất ký hiệu 7-1 thuộc khu chức năng số 7 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu Tân Kỳ – Tân Quý...

Đồng thời, trình thông qua chủ trương làm đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố); Đường trên cao số 5 (đoạn Nút giao Trạm 2 - An Sương); Các tuyến đường trục chính, xuyên tâm: xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm); xây dựng hoàn chỉnh mặt cắt ngang Vành đai 2 (đường Võ Chí Công) từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2...

TS Lương Hoài Nam - Chuyên gia về giao thông cho rằng, nguyên nhân đất dành cho giao thông của TP.HCM còn quá khiêm tốn do hạn chế nguồn đầu tư và tầm nhìn quy hoạch chưa đúng mức. Vì vậy, trước mắt cần tập trung đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông có tính chất động lực, lan tỏa, tăng cường khả năng kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng. Từ đó nhằm phát huy lợi thế của vùng, giúp giãn dân và giảm áp lực hạ tầng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến trục kết nối với thành phố.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ khép kín hệ thống đường vành đai TP.HCM: với việc hoàn thành Vành đai 2 trước năm 2023, Vành đai 3 và 4 trước năm 2030; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cải tạo 10 tuyến đường bộ trong vùng tổng chiều dài 785 km. Đồng thời nghiên cứu triển khai đầu tư 3 tuyến giao thông quan trọng kết nối với sân bay Long Thành.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới