Chủ tịch UBND TP.HCM: 'An toàn tới đâu mở đến đó'
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, nếu nới lỏng giãn cách mà không đảm bảo an toàn, không đảm bảo tính mạng của người dân thì không có ý nghĩa.
Tại sao giãn cách lâu mà vẫn chưa kiểm soát được tình hình dịch bệnh?
Tối ngày 6/9, trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" phát trực tiếp trên nền tảng internet, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trả lời nhiều thắc mắc của người dân trong thời gian qua.
Trước vấn đề khi nào TP.HCM nới lỏng giãn cách, TP.HCM giãn cách lâu mà vẫn chưa kiểm soát được tình hình dịch bệnh?
Ông Mãi cho biết, lý do khách quan và chủ quan, do chủng Detla lây lan, một số nơi ngăn chặn nguồn lây chưa tốt. Thời gian gần đây, thực hiện giãn cách nghiêm, xét nghiệm F0, tách F0 ra, đã khả quan hơn.
Do đó trong thời gian tới sẽ có kết quả tốt hơn. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp thì không thể nói mốc thời gian cụ thể để hết dịch, hay hết thời gian giãn cách. TP.HCM đang tập trung thực hiện đến ngày 15/9 và có đánh giá tình hình sau ngày 15/9.
"Nới lỏng giãn cách nếu không đảm bảo an toàn, không đảm bảo tính mạng của người dân thì không có ý nghĩa.
Nới lỏng giãn cách phải dựa trên an toàn, an toàn tới đâu, nới lỏng tới đó. Thời gian sắp tới Thành phố phải chuẩn bị tinh thần sống chung với dịch bệnh. Mở cửa theo từng bước, có nguyên tắc sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và đảm bảo tốt cho phục hồi hoạt động sản xuất", ông Mãi nói.
Việc tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 được ông Mãi đưa ra là một trong những điều kiện cho phép người dân hoạt động trở lại chứ không phải là điều kiện tuyệt đối.
Bên cạnh đó, người dân còn phải đáp ứng thêm các điều kiện khác như 5K của Bộ Y tế, không tụ tập đông người, vẫn phải đeo khẩu trang…
Dự kiến ngành nghề được ưu tiên hoạt động trở lại khi dịch được kiểm soát
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau ngày 15/9, nếu tình hình dịch được kiểm soát, TP.HCM dự kiến sẽ mở cửa một số ngành kinh doanh như hoạt động thương mại điện tử thông qua shipper, trang thiết bị phục vụ y tế, lương thực thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng…
TP.HCM đã có kiến nghị với Ngân hàng nhà nước và Thành phố sẽ có chương trình hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với các doanh nghiệp này, bên cạnh vốn còn khó khăn thứ hai là lao động, lao động về quê không thể trở lại trong lúc này, TP.HCM sẽ phối hợp với các địa phương giải quyết.
Thứ ba là tiêm vaccine cho lao động để có nguồn lao động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thuê mặt bằng thì TP.HCM cũng có gói chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện, nước.
Nguyễn Thật