Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng mời gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư
Thông qua chuyến thăm Sóc Trăng của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn mời gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư tại tỉnh.
Triển vọng hợp tác về nông nghiệp, năng lượng tái tạo
Sáng ngày 30/11, Đoàn công tác Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM do bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã tiếp và làm việc với đoàn.
Theo Báo Sóc Trăng, tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Sóc Trăng có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sinh sống, đoàn kết cùng phát triển. Sóc Trăng có nguồn lao động dồi dào, mạng lưới giao thông bao phủ toàn tỉnh với các tuyến đường bộ dài khoảng 7.472km. Sóc Trăng còn được xem là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào và đa dạng, đặc biệt là gạo, thủy sản và nông sản thực phẩm chế biến. Ngoài ra tỉnh còn có thế mạnh về năng lượng tái tạo, du lịch.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm đến công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là xây dựng các tuyến giao thông kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành khác trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương thông thoáng từ Sóc Trăng đi đến các vùng, miền đất nước cũng như đi quốc tế. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức của Hoa Kỳ với các dự án hỗ trợ phát triển đàn bò sữa; hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng mong muốn, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng bền chặt và phát triển hơn nữa. Thông qua chuyến thăm Sóc Trăng của bà Susan Burns lần này, lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn mời gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư tại tỉnh.
Cũng tại buổi làm việc, bà Susan Burns đánh giá cao sự hỗ trợ của tỉnh đối với dự án điện gió đang đầu tư trên địa bàn tỉnh có đối tác là tập đoàn ở Hoa Kỳ. Vị này cho rằng, thời gian qua, Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, giáo dục… và đem lại hiệu quả cao.
Nữ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ và tỉnh Sóc Trăng sẽ có sự hợp tác phát triển trong tương lai, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Thành viên đoàn công tác của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cũng tìm hiểu thêm về tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch đầu tư, phát triển dự án cảng nước sâu, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng.
Được biết, sau buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, đoàn công tác Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đến làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tại Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh.
Sóc Trăng - điểm đến đầu tư tiềm năng
Hiện nay, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, Sóc Trong nói riêng được xem là điểm đến đầu tư tiềm năng của các nhà đầu tư ngoại. Rất nhiều các tập đoàn lớn trên thế giới đã tìm đến ĐBSCL, trong đó có Sóc Trăng để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cách đây không lâu, ngày 10/10, trong khuôn khổ buổi gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo nhiều sở, ngành đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển của Sóc Trăng và kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là đầu tư vào dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề.
Tại buổi làm việc này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và đặt nhiều câu hỏi về tiềm năng, lợi thế và chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là dự án cảng biển nước sâu Trần Đề.
Cùng với cảng Trần Đề, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng giới thiệu nhiều dự án khác với doanh nghiệp Nhật Bản như dự án xây dựng hệ thống kho bãi, dịch vụ, hậu cần, hệ thống logistics, các khu công nghiệp, khu kinh tế biển Trần Đề… Những dự án này được kỳ vọng là sẽ mở ra không gian phát triển mới cho địa phương. Sau buổi trao đổi, hai bên hứa hẹn sẽ hợp tác triển khai nhiều dự án.
Còn nhớ, cuối tháng 5/2022, tỉnh Sóc Trăng có làm việc với đoàn công tác Thương vụ - Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc, tìm hiểu cơ hội đầu tư về các dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, trong đó nhấn mạnh đến các định hướng của tỉnh về tiềm năng đã và đang triển khai thực hiện các dự án điện gió, cũng như về chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tỉnh Sóc Trăng luôn chào đón và ưu tiên cho các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là các dự án điện gió ngoài khơi.
Theo thông tin mà phóng viên có được, mới đây, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM đã có công hàm gửi UBND tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết có dự định cùng lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và một số doanh nghiệp Trung Quốc đến thăm tỉnh Sóc Trăng và tổ chức kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Được biết, Trung Quốc cũng là một đối tác lớn của các tỉnh ĐBSCL. Thông tin từ VCCI Cần Thơ cho thấy, đối với lĩnh vực nông sản, hàng năm, ĐBSCL xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3,3 tỉ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, đạt mức 118 tỉ USD (năm 2021).
Bên cạnh đó, Trung Quốc thuộc là một trong các nhà đầu tư nước ngoài có tổng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam. Tại ĐBSCL, Trung Quốc hiện có 400 dự án đầu tư, tập trung tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, ĐBSCL còn có nhiều lĩnh vực mới nổi tiềm năng để hợp tác giữa 2 quốc gia: công nghệ thông tin, năng lượng, logistics…
TS.Trần Khắc Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Các hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long từng chia sẻ, hiện nay Trung Quốc có hơn 400 doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL với tổng vốn luỹ kế hơn 2,4 tỉ USD. Các dự án chủ yếu là hợp tác trong lĩnh vực chế biến. Con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác của đôi bên. Tại nhiều cuộc giao thương tại Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác, đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Ngược lại, phía doanh nghiệp nước bạn mong muốn chúng ta có giải pháp hiệu quả hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu lao động tay nghề cao cho sản xuất công nghiệp.
"Nếu sau này khi hệ thống cao tốc đi vào vận hành, đặc biệt là có cảng biển nước sâu Trần Đề, tôi tin chắc rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn ĐBSCL là nơi "làm tổ", trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Những dự án hạ tầng sẽ giúp giao thương giữ khu vực thuận tiện hơn, dễ dàng hơn", TS.Trần Khắc Tâm bày tỏ.
Văn Chương