Chủ tịch COP-26 đánh giá cao báo cáo Thanh niên hành động vì khí hậu
COP-26 là hy vọng cuối cùng của chúng ta để duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C, một mốc mà các nhà khoa học cho rằng nếu vượt qua, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không kiểm soát nổi.
Những phân tích, chỉ ra những nút thắt, hướng giải quyết và kiến nghị của các bạn trẻ trong bản Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” đã cho thấy thế hệ thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng và tham gia cuộc đua với biến đổi khí hậu vì một hành tinh sạch - xanh.
Bản Báo cáo là hành động thiết thực của thanh niên Việt Nam trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-26) sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh và đã được gửi đến Chủ tịch chỉ định của COP-26 Alok Sharma khi ông tham gia Lễ công bố Báo cáo.
"Cơ hội cuối cùng" để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng
COP-26 được coi là “cơ hội cuối cùng” để thế giới xích lại gần nhau và cam kết hành động toàn cầu nhằm cắt giảm khí nhà kính để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C.
Trong bài phát biểu quan trọng được truyền thông Anh đăng tải vào ngày 14/5, nghị sĩ Anh Alok Sharma, trên cương vị Chủ tịch chỉ định của COP-26 đã đưa ra nhận định trên đồng thời bày tỏ niềm tin rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phát huy hết vai trò của mình trong cơ hội cuối cùng này.
Ông Sharma khẳng định: Hội nghị COP-26 là hy vọng cuối cùng của chúng ta để duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C, một mốc mà các nhà khoa học cho rằng nếu vượt qua, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không kiểm soát nổi.
Đây cũng là cơ hội tốt nhất để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, với không khí trong lành hơn và những việc làm thân thiện với môi trường hơn.
Theo ông Sharma, COP-26 sẽ là nơi để các nhà đàm phán hàng đầu thế giới về môi trường của 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia và nhiều nhà lãnh đạo thế giới thảo luận các giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP-26 ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 11/2020, song do đại dịch Covid-19, sự kiện này đã bị lùi lại đến tháng 11 năm nay. Hiện vẫn có một số quốc gia lo ngại sẽ không thể tham dự các cuộc đàm phán ở Glasgow do chưa thể kiểm soát được các đợt dịch bùng phát mới.
Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã nhất trí kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm ký kết, thế giới liên tục ghi nhận kỷ lục những năm nóng nhất, trong khi những trận bão lớn, lũ lụt và cháy rừng đang đẩy nhiều cộng đồng dân cư trên khắp hành tinh vào tình trạng khủng hoảng.
Cho đến nay, hàng trăm thành phố trên thế giới không đưa ra được những kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu bất chấp các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ lũ lụt, sóng nhiệt và ô nhiễm...
Theo dự báo của các nhà khoa học, những hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai gần có thể đẩy 400 triệu người trên thế giới đối mặt với những rủi ro khôn lường.
Xác định lộ trình hành động chung của thanh niên
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã tuyên bố: “Chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu và chúng ta không có thời gian. Chúng ta đã thấy những người trẻ ở tuyến đầu trong hành động vì khí hậu...".
Tại COP-26 năm nay, ông Alok Sharma mong muốn đẩy mạnh hơn nữa vai trò, tiếng nói của thanh niên trong thực thi các nội dung nghị sự của COP. Theo ông Sharma, để chuẩn bị cho COP-26, một Hội đồng cố vấn đã được thành lập và các cố vấn của Hội nghị đã có những chuyến công du trên phạm vi toàn cầu để lắng nghe ý kiến, trong đó có ý kiến của thanh niên cho chương trình nghị sự của Hội nghị. Ban Tổ chức và các cố vấn của COP-26 luôn đảm bảo nguyên tắc coi ý kiến của thanh niên là trung tâm của mọi hành động, mọi quyết định của Hội nghị.
Với ý nghĩa như vậy, Chủ tịch COP-26 đánh giá cao Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”. Đây là một bản báo cáo rất tốt, phong phú và nhiều thông tin với nhiều ý tưởng sáng tạo và thực tiễn.
Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” không chỉ nêu lên những nút thắt khó khăn, đề xuất hướng giải quyết cho thanh niên khi tham gia hoạt động, triển khai dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn mạnh dạn đề ra một lộ trình hành động chung hướng đến COP-26 của thanh niên Việt Nam trong năm 2021 cũng như 5 năm tới nhằm nâng cao năng lực và sự đóng góp cụ thể của thanh niên Việt Nam tại hội nghị này.
Trong lộ trình này, từ nay cho đến COP-26, Báo cáo đề ra một số hoạt động thiết thực. Đó là, thành lập Mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu; tổ chức các hội nghị COP-26 giả lập tại các trường học; lập 6 nhóm làm việc của thanh niên về chính sách biến đổi khí hậu đảm nhận 6 chủ đề chính sách dựa trên nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cũng như các lĩnh vực hoạt động mạnh của thanh niên – trong đó có việc vận động để cử đại diện tham gia và trình bày kiến nghị của thanh niên trong những buổi tham vấn chính sách về khí hậu như chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật NDC, với các bên liên quan; cử đại diện thanh niên Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên toàn cầu về biến đổi khí hậu cầu tại Milan, Italy vào tháng 9/2021; Tổ chức cho thanh niên nêu ý kiến về COP-26 và vận động để được trình bày tóm tắt Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” tại COP-26. Lộ trình cũng đặt ra mục tiêu có đại diện thanh niên Việt Nam tham gia đoàn đàm phán Việt Nam tại COP-30".
Với một lộ trình rõ ràng, các đại diện đội, nhóm thanh niên tham gia bản Báo cáo đã cam kết thực hiện lộ trình để từng bước thúc đẩy và dẫn dắt các hành động vì khí hậu của thanh niên từ năm 2021 đến năm 2025 tại Việt Nam.
Trưởng nhóm viết báo cáo Hoàng Ngọc Xuân Mai bày tỏ hy vọng báo cáo sẽ được chia sẻ rộng rãi với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan. Với các đề xuất cụ thể nhằm nâng cao năng lực của thanh niên trong việc lồng ghép các hành động đóng góp vào NDC, với sự hỗ trợ của toàn thể thanh niên cũng như Chính phủ và các tổ chức liên quan khác, nhóm sẽ thành công trong việc thực hiện Lộ trình Thanh niên hành động vì khí hậu”.
Đánh giá cao việc thanh niên Việt Nam đề ra lộ trình hành động vì khí hậu, bà Caitlin Wiesen-Antin, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Như các phong trào thanh niên thúc đẩy hành động vì khí hậu trên toàn thế giới, thanh niên Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách huy động sự tham gia của gia đình, trường học và cộng đồng. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc trao quyền cho thanh niên ngày hôm nay sẽ tạo nền tảng cho một Việt Nam xanh và bền vững hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau”.
Việt Đức