37% ca tử vong biến đổi khí hậu gây ra
Nghiên cứu mới cho thấy, hơn một phần ba số ca tử vong do nhiệt trên thế giới mỗi năm là do ảnh hưởng trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu.
Tử vong do nhiệt độ cao hơn từ sự nóng lên toàn cầu
Theo nghiên cứu được công bố ngày 31/5 trên tạp chí Nature Climate Change, hàng chục nhà nghiên cứu đã xem xét các trường hợp tử vong do nhiệt ở 732 thành phố ở 43 quốc gia trên toàn cầu từ năm 1991 và tính toán ra rằng 37% số ca tử vong là do nhiệt độ cao hơn từ sự nóng lên toàn cầu.
Nhưng theo các nhà khoa học, đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Các hiện tượng thời tiết do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu như bão, lũ lụt và hạn hán cũng gây ra cái chết cho nhiều người, và con số tử vong do nhiệt sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân.
Tác giả chính của nghiên cứu còn cho biết, con số tử vong khoảng 9.700 người mỗi năm mới chỉ tính từ những thành phố đó, nhưng con số này còn nhiều hơn trên toàn thế giới.
Khi nhiệt độ tăng lên, các đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên hơn sẽ ảnh hưởng không cân đối đến người cao tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn như hen suyễn, khiến họ dễ mắc bệnh và tử vong sớm.
“Đây là những cái chết liên quan đến nắng nóng mà thực sự có thể ngăn ngừa được. Sự nắng nóng đó là do chúng ta trực tiếp gây ra”, Tiến sĩ Ana Vicedo-Cabrera, nhà dịch tễ học tại Viện Y học Phòng ngừa và Xã hội thuộc Đại học Bern, Thụy Sĩ cho biết.
Theo bà Vicedo-Cabrera, tỉ lệ tử vong vì nắng nóng do biến đổi khí hậu cao nhất là ở các thành phố ở Nam Mỹ. Nam Âu và Nam Á là những điểm nóng tiếp theo có nhiều ca tử vong do nhiệt liên quan đến biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy Sao Paulo, Brazil, là nơi có nhiều ca tử vong do nắng nóng liên quan đến khí hậu nhất, trung bình là 239 người mỗi năm.
Nghiên cứu cho thấy khoảng 35% số ca tử vong do nắng nóng ở Mỹ có thể là do biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu tử vong trong nhiều thập kỷ ở 732 thành phố để vẽ các đường cong mô tả chi tiết tỉ lệ tử vong của mỗi thành phố thay đổi như thế nào theo nhiệt độ và đường cong tử vong do nhiệt thay đổi như thế nào giữa các thành phố. Bà Vicedo-Cabrera cho biết, một số thành phố thích ứng với nhiệt tốt hơn những thành phố khác vì điều hòa không khí, các yếu tố văn hóa và điều kiện môi trường.
Sau đó, các nhà nghiên cứu lấy nhiệt độ quan sát được và so sánh chúng với 10 mô hình máy tính mô phỏng một thế giới không có biến đổi khí hậu. Sự khác biệt ở đây là nhiệt độ nóng lên do con người gây ra. Bằng cách áp dụng kỹ thuật đã được khoa học chấp nhận đó cho các đường cong số ca tử vong do nhiệt độ cao ở 732 thành phố, các nhà khoa học đã tính toán được số ca tử vong do nhiệt tăng vì biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Jonathan Patz, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu tại Đại học Wisconsin, không tham gia nghiên cứu này, đánh giá: “Nhiều người tiếp tục yêu cầu chứng minh rằng biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Nghiên cứu này trả lời trực tiếp câu hỏi đó bằng cách sử dụng các phương pháp dịch tễ học hiện đại và lượng dữ liệu mà các tác giả đã tích lũy để phân tích là rất ấn tượng”.
Tiến sĩ Patz cho rằng, đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên trình bày chi tiết các ca tử vong do nhiệt liên quan đến biến đổi khí hậu hiện tại, thay vì trong tương lai.
Sự ấm lên của trái đất được ghi nhận đáng chú ý nhất ở khu vực Bắc Á, đặc biệt là Bắc Cực. Vào ngày 20/6/2020, nhiệt độ ở Thị trấn Verkhoyansk (thuộc Siberia, Nga, nơi được biết đến với cái lạnh cực độ) đã tăng vọt lên mức 38,0°C, đánh dấu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở phía Bắc vòng Bắc Cực. Nhiệt độ tăng lên đã khiến cho băng biển ở khu vực Bắc Cực tiếp tục tan chảy. Viện Khí tượng Đan Mạch ghi nhận diện tích băng biển tại Bắc Cực trong tháng 10/2020 ở mức thấp kỷ lục trong ít nhất 40 năm qua, đạt 6,5 triệu km2 do nước biển ấm bất thường. Trong năm 2020, khối băng lớn thứ 2 thế giới là Greenland cũng đã mất đi 152 tỉ tấn băng do hiện tượng tan chảy. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng mực nước biển toàn cầu trong những năm gần đây.
Theo Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố vào tháng 12/2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm vừa qua cao hơn khoảng 1,2°C so thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này cũng tương tự với con số công bố vào đầu tháng 01/2021 của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S). Với mức nền nhiệt đó, năm 2020 trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất trong lịch sử và cũng khép lại một thập kỷ có nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu.
Cao điểm đợt nắng nóng tại Hà Nội
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 1/6, khu vực Hà Nội nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến ở mức 40 - 60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 đến 18 h.
Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài ngay từ những ngày đầu tháng 6/2021. Đặc biệt, khoảng giữa tuần này, ngày 2 và 3-6, nắng nóng ở Hà Nội và Bắc Bộ sẽ đạt đỉnh, nền nhiệt nhiều nơi ghi nhận ở mức 40 độ C và hơn.
TP.Hà Nội đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, mức nhiệt cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt người dân. Song, những người lao động ngoài trời như người bán hàng rong, xe ôm, công nhân xây dựng và những người giao hàng… vẫn phải vật lộn với nắng nóng để mưu sinh. Cái nắng nóng gay gắt của Hà Nội trưa 31/5, với mức nhiệt mặt đường lên tới 45 độc C, khiến mặt đường chảy nhựa, nhiều tuyến đường bốc hơi tạo ra ảo ảnh.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao
Tác động của hiệu ứng bê tông, nhà kính, thiếu cây xanh trong thành phố mà sức nóng ở Hà Nội còn tăng thêm nhiều. Gạch, bê tông, đường nhựa... hấp thụ bức xạ Mặt trời rất tốt. Khi hấp thụ nhiệt, chúng sẽ nóng lên và toả lại nhiệt vào không khí. Cùng với việc lưu thông không khí trong thành phố kém (do nhiều nhà cao tầng mọc lên) nên sẽ làm giảm sự phân tán nhiệt, khiến không khí vừa nóng lại khô hơn.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác nữa khiến Hà Nội phải chịu nắng nóng cực gay gắt là bởi nồng độ khí thải CO2 trong khí quyển không ngừng gia tăng. Nguyên nhân của điều này chủ yếu là do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, nguồn thải công nghiệp và nông nghiệp.
BSCKII. Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viênh Hữu Nghị cho biết: Bản thân người cao tuổi rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nắng nóng có thể khiến người già có cơn tăng huyết áp, cơn đột quỵ - đặc biệt là tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ tăng quá cao có thể dẫn đến hôn mê, rối loạn tất cả các chức năng khác của cơ thể.
Hơn nữa, người già ít có cảm giác khát hơn người trẻ tuổi, cho nên gia đình, người thân cần chú ý đảm bảo đủ nước cho họ trong ngày nắng nóng.
Theo chuyên gia cấp cứu, tuy nóng bức nhưng người dân cần chú ý để nhiệt độ trong phòng điều hòa không nên chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài. Nếu nhiệt độ ngoài trời 36-37 độ C thì trong nhà chỉ nên 25-27 độ C. Người già ở trong nhiệt độ thấp quá dễ làm khô đường thở, đây là yếu tố nguy cơ cho bệnh lý đường hô hấp ở người cao tuổi.
Cũng ở người cao tuổi, do các triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, khó nhận diện khiến không ít trường hợp vào viện khi bệnh đã nặng. Chính vì vậy, khi có các biểu hiện khó thở, mệt mỏi người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế, không nên chủ quan hoặc tự mua thuốc về điều trị.
Ánh Dương