Trẻ em đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu
Khoảng 490 triệu trẻ em dưới 18 tuổi ở 35 quốc gia châu Phi có nguy cơ cao nhất phải chịu tác động tồi tệ của tình trạng biến đổi khí hậu.
Cảnh báo này được Tổ chức phi lợi nhuận Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children International) đưa ra. Đáng lưu ý là tất cả các nước này đều thuộc khu vực châu Phi Nam Sahara, trong đó Chad, Somalia, CH Trung Phi, Eritrea và CHDC Congo là những quốc gia có khả năng thích ứng thấp nhất với tác động của biến đổi khí hậu.
Dựa vào chỉ số Sáng kiến Thích ứng toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) mới công bố gần đây, phân tích của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cho biết trong số 750 triệu trẻ em ở 45 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất của rủi ro khí hậu có 210 triệu trẻ em ở 3 quốc gia Nam Á là Pakistan, Bangladesh và Afghanistan.
ND-GAIN đã xếp hạng các quốc gia theo mức độ dễ bị tổn thương đối với các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu và mức độ sẵn sàng hoặc năng lực của nước đó để thích ứng với biến đổi khí hậu. Khả năng thích ứng và ứng phó càng thấp thì nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ càng cao. Các rủi ro khí hậu dựa trên kịch bản giả định là các chính sách khí hậu giới hạn và ổn định nồng độ khí nhà kính ở mức 4,5 W m-2 vào năm 2100.
Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cảnh báo các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và bão sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến những trẻ em dễ bị tổn thương và gia đình, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, bệnh tật và các mối đe dọa sức khỏe khác cũng như tình trạng khan hiếm nước do mực nước dâng cao hoặc sự kết hợp của các yếu tố này.
Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 170 nước được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu trong vòng 30 năm tới và là một trong số 16 nước “có nguy cơ cao nhất” do tỉ lệ nghèo đói cao, dân cư đông đúc, dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, phụ thuộc vào đất nông nghiệp dễ bị ngập lụt và hạn hán. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba trung tâm “có nguy cơ cao” trên thế giới về số dân có nguy cơ bị mất chỗ ở do nước biển dâng. Đến năm 2050, khu vực này ước tính có khoảng một triệu người có nguy cơ mất chỗ ở.
Cũng như ở các nước đang phát triển khác, trẻ em Việt Nam nằm trong số những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu dù các em là những người ít liên quan nhất đến những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Các loại nguy cơ về biến đổi khí hậu mà trẻ em gặp phải rất đa dạng bao gồm từ những ảnh hưởng trực tiếp về mặt thể chất như lốc xoáy, bão tố và nhiệt độ tăng giảm đột ngột cho tới những ảnh hướng về giáo dục, căng thẳng tâm lý và những khó khăn về dinh dưỡng. Như vậy, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quyền trẻ em từ nhiều góc độ, kể cả sức khỏe, tính mạng, tiếp cận giáo dục, y tế, kinh tế gia đình...
Hà Lan