Thứ bảy, 23/11/2024 00:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/10/2022 15:50 (GMT+7)

Chủ động tập trung khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lớn ở miền Trung

Theo dõi KTMT trên

Để chủ động ứng phó thiên tai phức tạp, đặc biệt là nguy cơ lũ chồng lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề cao cảnh giác, tiếp tục tập trung triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 939/CĐ-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung.

Từ cuối tháng 9 đến nay, các địa phương miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, áp thấp nhiệt đới, bão có thể ảnh hưởng, tiếp tục gây mưa rất lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày tới, tổng lượng mưa phổ biến 200 - 500 mm, có nơi trên 600 mm. Trong bối cảnh khu vực này vừa xảy ra mưa lớn, hồ chứa nước, sông suối đầy nước.

Chủ động tập trung khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lớn ở miền Trung - Ảnh 1
Dự báo đường đi và vị trí của cơn bão số 5 (Bão SONCA). (Nguồn: VNDMS)

Để chủ động ứng phó tình huống thiên tai phức tạp, đặc biệt là nguy cơ lũ chồng lũ, sạt lở đất, lũ quét, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương đề cao cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đợt mưa lũ tới.

Theo đó, các địa phương trong vùng ảnh hưởng, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặc biệt tại các huyện có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét cần tập trung cao khẩn trương khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, nhất là hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống cho người dân; sửa chữa, khắc phục công trình hồ đập, đê điều, tuyến đường giao thông bị sạt lở, cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để bảo đảm an toàn, chủ động ứng phó với bão, lũ.

Theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động ven biển, đảo.

Tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó: tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Tại cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai diễn ra hôm nay (14/10), các đại biểu đề nghị, không chủ quan với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn ở miền Trung. Theo đó, "Mưa chồng mưa, lũ chồng lũ" là các tổ hợp thời tiết nguy hiểm đối với khu vực miền Trung trong những ngày tới được cảnh báo.

Bên cạnh đó, gió Đông và mưa đang diễn ra ở khu vực miền Trung cùng với đó là áp thấp nhiệt đới chuẩn bị mạnh lên thành bão sẽ gây ra đợt mưa lớn ở miền Trung. Các tỉnh miền Trung đã ban hành văn bản chỉ đạo vận hành các hồ chứa về mực nước đón lũ, đồng thời rà soát các phương án sơ tán di dời dân khỏi khu vực ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhất là ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Tính đến sáng nay, có khoảng 50.000 phương tiện với hơn 270.000 lao động tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để thoát ra khu vực nguy hiểm.

Theo ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, các địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cung cấp bản tin chính xác nhất để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, trong đó làm rõ về nước lũ trên các sông, chi tiết về lượng mưa ở từng thời điểm và khu vực. Trên biển, hoạt động của tàu thuyền nhất là tàu cá vẫn còn nhiều, theo dự báo hiện nay là áp thấp nhiệt đới, do đó, yêu cầu bà con di dời ra khỏi vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới.

Từ 14 giờ 14/10, Thừa Thiên - Huế di dời khẩn cấp người dân tránh lũ

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, vị trí tâm bão (lúc 15 giờ ngày 14/10): khoảng 14.4 độ Vĩ Bắc; 110.8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 325km, Quảng Nam khoảng 285km, Quảng Ngãi khoảng 235km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất: cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Dự báo: trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h.

Thừa Thiên - Huế sẽ là một trong những tâm điểm của đợt mưa lớn lần này, kéo dài từ ngày 14-16/10, với tổng lượng mưa từ 500-700mm, có nơi trên 800mm. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ 14 giờ ngày 14/10, các địa phương trong tỉnh sẽ triển khai di dời 11.708 hộ với 37.085 khẩu có nhà cửa tại các khu vực nguy cơ sạt lở đất và các khu vực ngập lụt, hạ du sông Hương, sông Bồ đến nơi trú ẩn an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định chiều 14/10, tất cả học sinh ở vùng thấp trũng được nghỉ học. Ngày 15/10, học sinh toàn tỉnh nghỉ học để ứng phó với mưa lũ.

PV

Bạn đang đọc bài viết Chủ động tập trung khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lớn ở miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới