Chủ động phòng, chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ và phía tây Bắc Bộ.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ và phía tây Bắc Bộ.
Ở phía đông Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào rải rác. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Hôm nay (ngày 3-3), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng một số nơi khác ở Trung Trung Bộ và phía tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác. Ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 đến 18 độ C, vùng núi có nơi dưới 14 độ C. Phía tây Bắc Bộ, Nghệ An và Hà Tĩnh trời lạnh.
Trước dự báo nguy cơ cháy rừng cao, Vườn quốc gia U Minh Thượng chủ động thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2020 - 2021. Theo đó, Ban quản lý Vườn tổ chức khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ số về các vùng trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng bao gồm: Nguồn nước, giao thông, hướng tiếp cận; xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao với diện tích 1.115 ha để dựng lán trại, bố trí bốn đội ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tỉnh Lai Châu yêu cầu các lực lượng duy trì 40 chốt canh gác tạm thời và 15 chốt gác kiên cố tại cửa rừng thuộc các xã tiếp giáp với tỉnh Lào Cai để kiểm soát người ra, vào rừng; phát hiện kịp thời cháy rừng, nhằm hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Từ đầu mùa khô năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra năm vụ cháy rừng tại các huyện Phong Thổ, Tam Ðường, Tân Uyên, Than Uyên.
Từ ngày 2-3, các địa phương tại tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu triển khai tiêm phòng diện rộng vắc-xin viêm da nổi cục cho hơn 46.000 con trâu, bò. Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh đã tiếp nhận 35.000 liều, phân bổ cho các huyện đã đăng ký. Cùng ngày, huyện Thạch Hà bắt đầu tiêm vắc-xin viêm da nổi cục diện rộng. Riêng điểm nóng huyện Cẩm Xuyên, để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, huyện sẽ hỗ trợ tiền công tiêm cho người chăn nuôi, phấn đấu tiêm xong gần 10.000 liều trong khoảng 15 đến 20 ngày.
Do thời tiết thuận lợi cho nên đến thời điểm này, tỉ lệ ra hoa của vải thiều chính vụ tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt hơn 95%. Huyện định hướng người dân sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lập danh sách và lựa chọn thêm 178 ha vải thiều có đủ điều kiện để chăm sóc, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có gần 600 ha lúa bị nhiễm bệnh rệp muội và bọ trĩ, 51 ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu… Chi cục đề nghị các địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn và người dân thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu, bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi, luân canh cây trồng thích ứng hạn mặn, vụ đông xuân 2021, nông dân tỉnh Tiền Giang chuyển đổi hàng nghìn héc-ta sang trồng ngô thay cho cây lúa. Các huyện có diện tích trồng ngô lớn như : Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và TP.Mỹ Tho… Mỗi năm, nông dân có thể trồng được bốn đến năm vụ ngô, cho lợi nhuận từ 200 đến 250 triệu đồng/ha, cao gấp hai đến ba lần trồng lúa.
Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn tồn hơn 10.000 tấn muối, trong đó xã An Ngãi, huyện Long Ðiền là địa phương có số lượng muối tồn đọng nhiều nhất. Nguyên nhân là do giá muối quá thấp, sức tiêu thụ chậm.
Tổ chức World Vision Việt Nam vừa cấp phát 3.200 bộ dụng cụ gia đình cho các hộ tại sáu xã: Hải Phong, Hải Trường, Hải Quy, Hải Hưng, Hải Ðịnh và Hải Dương (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) nhằm khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng giá trị của lần cấp phát này là hai tỉ đồng. Ðây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Ứng phó lũ lụt khẩn cấp tại miền trung Việt Nam do Bộ phận Bảo vệ dân sự và Hoạt động viện trợ nhân đạo châu Âu (ECHO) tài trợ.
PV